THÔNG ĐIỆP THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

của Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

NHẬP ĐỀ (1)

Phần I: MỐI LIÊN KẾT CỦA TÌNH YÊU NƠI VIỆC TẠO DỰNG VÀ NƠI LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Vấn Đề về Ngôn Từ (2)

“Tình ái” và “Từ ái” – khác nhau và liên kết (3-8)

Cái Mới Mẻ của Đức Tin Thánh Kinh (9-11)

Chúa Giêsu Kitô – Lời Nhập Thể của Thiên Chúa (12-15)

Tình Yêu Thiên Chúa và Tình Yêu Tha Nhân (16-18)

Phần II: VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’

Hoạt Động Bác Ái của Giáo Hội là việc Biểu Lộ Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi (19)

Bác Ái là Trách Nhiệm của Giáo Hội (20-25)

Công Bằng và Bác Ái (26-29)

Những cấu trúc đa dạng của việc bác ái trong môi trường xã hội ngày nay (30)

Tính cách chuyên biệt nơi hoạt động bác ái của Giáo Hội (31)

Những người có trách nhiệm về hoạt động bác ái của Giáo Hội (32-39)

Kết Luận (40-42)

 

Dẫn Nhập cho Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ban hành ngày 25/1/2006

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Hội Nghị của Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm về Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” sắp ban hành của Ngài

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Thông Báo về Bức Thông Điệp Đầu Tay của Ngài

Bài ĐTC BĐXVI viết để dẫn giải về Bức Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu cho Độc Giả Tuần San Famiglia Cristiana

“Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng phải yêu thương nhau như thế” (Jn 13:34)

“Họ sẽ Nhìn Lên Đấng Họ Đã Đâm Thâu” (Jn 19:37)

Cuộc  Cách Mạng của Tình Yêu

 

 

Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Các Vị Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ cùng Tất Cả Mọi Tín Hữu về Tình Yêu Kitô Giáo

 

NHẬP ĐỀ

 

1.         “Thiên Chúa là tình yêu, nên ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ” (1Jn 4:16). Những lời được trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan là những gì diễn tả hết sức rõ ràng tâm điểm của đức tin Kitô giáo, đó là hình ảnh của Kitô giáo về Thiên Chúa cùng với hình ảnh kèm theo về nhân loại và định mệnh của họ. Trong cùng một câu trên đây, Thánh Gioan cũng cho thấy một thứ tóm tắt về đời sống Kitô hữu, đó là “chúng ta đã tiến đến chỗ nhận biết và tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa giành cho chúng ta”. 

 

Chúng tôi đã tiến đến chỗ tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa: qua những lời này, Kitô hữu có thể bày tỏ cho thấy cái quyết định nồng cốt về cuộc sống của họ. Là Kitô hữu không phải là thành quả của một thứ chọn lựa về đạo lý hay về một ý tưởng cao cả, mà là cuộc gặp gỡ một biến cố, một con người, Đấng ban cho đời sống một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát. Phúc Âm Thánh Gioan diễn tả biến cố này bằng những lời là: “Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến ban Người Con duy nhất của Ngài, để ai tin vào Ngài thì được… sự sống đời đời” (3:16). Khi ý thức được cái tâm điểm của yêu thương, đức tin Kitô Giáo đã bảo trì được cái cốt lõi nơi niềm tin của dân Do Thái, đồng thời làm cho niềm tin này sâu rộng hơn. Người Do Thái sùng đạo hằng ngày tụng niệm những lời của Sách Nhị Luật, những lời nói lên cái tâm điểm cho việc họ hiện hữu, đó là “Ôi Yến Duyên, hãy nghe đây: Chúa là Thiên Chúa của chúng ta là vị Chúa duy nhất, nên các người phải kính mến Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng, hết linh hồn và hết sức mình” (6:4-5). Chúa Giêsu đã liên kết thành một chỉ thị duy nhất giới luật kính mến Thiên Chúa và giới luật yêu thương tha nhân trong Sách Lêvi, đó là “Các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình” (19:18; x Mk 12:29-31). Vì Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x 1Jn 4:10), mà tình yêu giờ đây không còn chỉ thuần là một “mênh lệnh”; nó là một đáp ứng tặng ân yêu thương được Thiên Chúa dùng để đến gần với chúng ta.

 

Trong một thế giới mà danh của Thiên Chúa đôi khi bị dính dáng tới việc báo oán,hay thậm chí tới nhiệm vụ cần phải hận thù và bạo động, thì sứ điệp này là những gì vừa hợp thời lẫn quan trọng. Đó là lý do, tôi muốn trong bức Thông Điệp đầu tiên của tôi đây nói về tình yêu được Thiên Chúa đổ trên chúng ta và là tình yêu tới phiên chúng ta cần phải chia sẻ cho người khác. Thật vậy, đó là những gì về hai phần chính của bức Thông Điệp này, và chúng hết sức liên hệ với nhau. Phần thứ nhất có tính cách suy diễn hơn, vì ở phần này tôi muốn – vào lúc mở màn cho giáo triều của tôi – làm sáng tỏ một số sự kiện thiết yếu liên quan tới tình yêu được Thiên Chúa nhiệm mầu và nhưng không hiến ban cho con người, cũng như liên quan tới mối liên hệ tự bản chất giữa Tình Yêu ấy với thực tại của tình yêu con người. Phần thứ hai thì cụ thể hơn, vì nó bàn tới việc Giáo Hội thực hiện giới luật yêu thương tha nhân. Vấn đề được bàn luận mang những ý nghĩa sâu rộng, thế nhưng nếu bàn đến dài giòng sẽ vượt ra ngoài giới hạn của bức Thông Điệp này nữa. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một số những yếu tố căn bản mà thôi, để kêu gọi thế giới hãy lấy lại nghị lực và việc dấn thân nơi vấn đề con người đáp ứng tình yêu của Thiên Chúa.

 

 

PHẦN NHẤT

 

MỐI LIÊN KẾT CỦA TÌNH YÊU NƠI VIỆC TẠO DỰNG VÀ NƠI LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

 

Vấn Đề về Ngôn Từ

 

2.         Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là những gì trọng yếu cho đời sống của chúng ta, và tình Ngài yêu thương chúng ta ấy gợi lên những vấn đề quan trọng về vấn đề Thiên Chúa là Đấng như thế nào và chúng ta là ai. Trong việc suy xét vấn đề này, chúng ta liền cảm thấy mình bị vướng phải vấn đề về ngôn từ. Ngày nay, chữ “yêu thương” đã trở thành một trong những chữ thường được sử dụng nhiều nhất và bị lạm dụng nhiều nhất, một chữ chúng ta gán ghép cho những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cho dù bức Thông Điệp này có chính yếu bàn đến việc hiểu biết và thực hành yêu thương theo Thánh Kinh cũng như theo Truyền Thống của Giáo Hội chăng nữa, chúng ta vẫn không thể nào tự nhiên bỏ qua được ý nghĩa của chữ này theo các thứ văn khóa khác nhau cũng như theo việc sử dụng ngày nay.

 

Trước hết, chúng ta hãy lưu ý tới tầm vóc rộng lớn về ý nghĩa của chữ “yêu thương”: chúng ta nói về lòng yêu quê hương đất nước, về tình yêu nghề nghiệp, về tình yêu bạn bè, về lòng yêu thích hoạt động, về tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, về tình yêu thương nơi phần tử trong gia đình, về tình yêu thương tha nhân và yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên, giữa muôn vàn ý nghĩa ấy, nổi bật nhất vẫn là tình yêu thương giữa người nam và người nữ, nơi tình yêu này hồn xác liên kết một cách bất khả phân ly và con người thoáng thấy được một thứ hứa hẹn có vẻ hạnh phúc bất khả kháng cự. Tình yêu này như là chính cái hình ảnh thu hẹp của tình yêu; tất cả những thứ yêu thương khác so với tình yêu thương này dường như trở thành mờ đi. Bởi vậy, chúng ta cần đặt vấn đề là phải chăng tất cả mọi hình thức yêu thương này đều chỉ là một, do đó mà yêu thương, qua nhiều hình thức khác nhau, cuối cùng cũng chỉ là một thực tại duy nhất, hay chúng ta chỉ cần sử dụng cùng một chữ để điểm danh tất cả những thực tại khác nhau?

 

“Tình ái” và “Từ ái” – khác nhau và liên kết

 

3.         Thứ tình yêu thương giữa con người nam nữ không được dự liệu hay ước định song chi phối con người một cách nào đó, theo cổ ngữ Hy Lạp, được gọi là eros - tình ái. Chúng ta phải nói ngay là Cựu Ước bản Hy Lạp sử dụng chữ erostình ái chỉ duy có hai lần, trong khi đó Tân Ước không hề sử dụng chữ này một chút nào: trong 3 chữ Hy Lạp về yêu thương là eros, philia (thân ái) và agape, các vị tác giả Tân Ước thích sử dụng chữ cuối cùng là chữ, trái lại, không được ngôn ngữ Hy Lạp sử dụng cho lắm. Về chữ philia – thân ái, tình yêu thương bạn bè thân hữu, nó được sử dụng với một ý nghĩa sâu xa hơn nữa nơi Phúc Âm Thánh Gioan, để diễn tả mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Khuynh hướng tránh né chữ eros – tình ái, cùng với nhãn quan mới về yêu thương được diễn đạt qua chữ agape – từ ái, là những gì hiển nhiên cho thấy một cái gì đó mới mẻ và chuyên biệt nơi kiến thức của Kitô Giáo về yêu thương. Trong cuộc phê phán Kitô Giáo được bắt đầu từ thời Minh Tri, và càng ngày càng trở thành cực đoan hơn nữa, thì yếu tố mới này đã được thấy như là một cái gì đó hoàn toàn tiêu cực. Theo Friedrich Nietzche, Kitô Giáo đã đầu đọc eros – tình ái, những gì tự mình không hoàn toàn chống đở nổi đã dần dần bị thoái hóa thành tính mê nết xấu (Cf. Jenseits von Gut und Bưse, IV, 168). Ở đây, vị triết gia Đức quốc này đã diễn đạt một nhận định được nhiều người chủ trương, đó là Giáo Hội, bằng tất cả mọi giới luật cùng với những cấm đoán của mình, đã không tỏ ra cay nghiệt với một điều quí hoá nhất trên đời hay sao? Giáo Hội đã không thổi còi hiệu ngay khi niềm vui là tặng ân Đấng Hóa Công cống hiến cho chúng ta một thứ hạnh phúc tự nó là sự tiên hưởng Thần Linh hay sao? 

 

4.         Thế nhưng, phải chăng đúng là như thế? Phải chăng Kitô Giáo thực sự hủy diệt eros – tình ái? Chúng ta hãy nhìn vào thế giới tiền Kitô Giáo. Các người Hy Lạp, không giống như các thứ văn hóa khác, đã coi eros – tình ái chính yếu như là một thứ say mê, một thứ áp đảo lý trí bởi “cái điên cuồng linh thánh” làm cho con người bung ra khỏi cuộc sống hữu hạn của mình, và khiến họ có thể cảm nghiệm được niềm hạnh phúc tối thượng nơi chính cái tiến trình bị quyền lực thần thiêng chiếm đoạt này. Tất cả mọi quyền lực khác trên trời dưới đất đều trở thành thứ yếu: “Omnia vincit amor”, Virgil đã nói như thế trong cuốn Bucolics – tình yêu chiến thắng tất cả mọi sự – và ông còn thêm rằng “et nos cedamus amori – cả chúng ta nữa hãy chiều theo yêu thương (X, 69). Trong các đạo giáo, thái độ này được thể hiện nơi các việc sùng bái đối với tính chất sinh sôi nẩy nở, mà một trong những việc sùng bái ấy là việc làm điếm “linh thánh”, một việc đã từng hưng thịnh ở nhiều đền thờ. Eros – tình ái như thế được cử hành như một thứ quyền lực thần linh, như mối hiệp hữu với Thần Linh.

 

Cựu Ước mãnh liệt chống lại hình thức tôn giáo ấy, thứ hình thức tiêu biểu cho một khuynh hướng mãnh liệt chống lại niềm tin độc thần, chống lại nó như là một thứ xuyên tạc đồi trụy về tôn giáo. Thế nhưng, không có nghĩa là Cựu Ước bác bỏ thứ eros – tình ái này; trái lại, Cựu Ước chỉ tuyên chiến với hình thức làm méo mó và hủy hoại thứ tình ái này, vì việc thần thánh hóa một cách giả tạo thứ eros – tình ái này thực sự chỉ tước đi mất cái giá trị của nó và phi nhân bản hóa nó mà thôi. Đúng thế, thành phần điếm nữ trong đền thờ, những con người cần phải được giành riêng cho cái mê đắm linh thánh này, không được đối xử như là những con người và như là những nhân vị, mà chỉ được sử dụng như là một phương tiện để làm nổi dậy “cái điên cuồng linh thánh” này, ở chỗ, thay vì trở thành những nữ thần, họ là những con người bị khai thác. Bởi thế, một thứ eros – tình ái mê đắm buông thả không phải là một cuộc thăng hoa “ngây ngất” hướng tới Thần Linh, mà là một thứ sa đọa, một thứ đồi trụy của con người. Tất nhiên eros – tình ái là những gì cần phải được chế ngự và thanh tẩy, nếu nó muốn không phải chỉ làm phát sinh tình trạng khoái lạc thoáng qua mà còn cả một thứ tiên hưởng nào đó về cái tuyệt đỉnh của đời sống chúng ta, về cái phúc đức được toàn thể con người chúng ta khát vọng. 

 

5.         Có hai điều rõ ràng hiện lên từ cái nhìn tổng quan chóng vắn về quan niệm eros - tình ái trong quá khứ và hiện tại này. Trước hết, có một mối liên hệ nào đó giữa tình yêu và Thần Linh, ở chỗ, yêu thương hứa hẹn những gì vô tận, vĩnh hằng – một thực tại hết sức cao cả và hoàn toàn khác với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng cách thức để đạt tới đích điểm này không phải chỉ ở chỗ chiều theo bản năng. Cần phải thực hiện việc thanh tẩy và chín chắn trưởng thành; mà những việc này cũng cần phải trải qua con đường bỏ mình. Những việc ấy chẳng những không loại trừ hay “đầu độc” eros – tình ái mà còn chữa lành nó và lấy lại cho nó tính cách cao cả thực sự của nó.

 

Điều này, trước hết và trên hết, là bởi sự kiện là con người là một hữu thể được dựng nên bao gồm cả xác lẫn hồn. Con người thực sự là mình khi thân xác và linh hồn của họ mật thiết liên kết với nhau; cái thách đố của eros – tình ái có thể nói được thật sự chế ngự khi con người đạt được mối liên kết này. Nếu họ muốn trở thành một thứ thuần linh và loại trừ xác thịt như là những gì liên quan tới bản tính thú vật mà thôi, thì cả tâm linh và xác thể đều bị mất đi phẩm giá của mình. Ngược lại, nếu họ chối bỏ tâm linh và coi chất thể, coi thân xác là thực tại duy nhất, thì họ cũng đánh mất đi tính cách cao cả của mình. Tay sành hưởng thụ Gassendi thường khôi hài chào Descartes rằng: “Ôi Linh Hồn!” Và được Descartes đáp lại rằng: “Ôi Xác Thịt!” (Cf. R. Descartes, Œuvres, ed. V. Cousin, vol. 12, Paris 1824, pp. 95ff). Thế nhưng, chẳng phải một mình tâm linh hay một mình thân xác là những gì yêu thương, mà chính con người, chính nhân vị, một tạo vật được kết hợp bởi cả xác lẫn hồn là chủ thể yêu thương. Chỉ khi nào cả hai chiều kích này thực sự liên kết với nhau, con người mới đạt tới tầm vóc trọn vẹn của mình. Chỉ có thế, tình yêu,  erostình ái, mới có thể chín chắn và đạt được tính cách cao cả thực sự của nó.

 

Ngày nay, Kitô Giáo của quá khứ thường bị chỉ trích như là một thứ tôn giáo chống lại thân xác; điều này hoàn toàn đúng vì các khuynh hướng như thế bao giờ cũng có. Tuy nhiên, đường lối hiện đại trong việc tôn sùng thân xác là những gì gian dối lừa đảo. Eros – tình ái, thứ tình ái bị biến thành thuần “tình dục”, đã trở thành một thứ hàng hóa, một “vật” thuần túy để bán buôn, hay nói đúng hơn, chính con người trở thành một thứ hàng hóa. Thật là khắc nghiệt khi con người hào hứng “chiều” theo thân xác. Thế mà hiện nay họ coi thân xác của họ và tính dục của họ như là một yếu tố thuần thể lý của bản thân họ, cần phải được sử dụng và khai thác tùy ý. Họ cũng không coi thân xác như là một đấu trường để hành sử tự do của họ, mà như là một đối tượng thuần túy trong việc họ cố gắng theo ý muốn của họ để vừa hưởng thụ nó vừa vô hại đến nó. Ở đây chúng ta thực sự đang nói đến một thứ hạ giá thân xác của con người, ở chỗ, nó không còn hòa nhập với cái tự do hiện hữu toàn diện của chúng ta nữa; nó không còn là một thể hiện sống động của toàn hữu thể chúng ta nữa, nhưng bị giảm xuống lãnh vực thuần sinh lý không nhiều thì ít. Việc tỏ tường tôn sùng thân xác có thể mau chóng biến thành mối hận ghét đối với những gì thuộc về thân xác. Trái lại, đức tin Kitô Giáo bao giờ cũng coi con người là một thực thể duy nhất theo lưỡng tính, một thực thể tâm linh và vật thể thấm nhập vào nhau, và trong thực thể này mỗi một yếu tố đạt được tính cách cao quí mới mẻ. Đúng thế, eros – tình ái là những gì có khuynh hướng vươn lên “chất ngất” hướng về Thần Linh, đem chúng ta vượt ra ngoài bản thân mình; nhưng cũng chính vì lý do này nó cần trải qua con đường thăng hoa, con đường bỏ mình, thanh tẩy và chữa lành.

 

6.         Nói thực tế hơn thì con đường thăng hoa và thanh tẩy này bao gồm những gì? Làm thế nào cảm nghiệm tình yêu để nó có thể hoàn toàn hiện thực được những gì hứa hẹn về nhân bản và thần linh của nó? Ở đây chúng ta có thể thấy được một chi tiết trước hết và quan trọng nơi Sách Diễm Tình Ca, một cuốn sách Cựu Ước quá quen thuộc đối với những thần bí gia. Theo chiều hướng dẫn giải chung chung  ngày nay thì những bài thơ chất chứa trong cuốn sách này nguyên thủy là những bài tình ca, có lẽ được sáng tác cho lễ cưới của người Do Thái và để tôn tụng tình yêu phối ngẫu. Bởi thế cần phải nhận thức rằng, theo chiều hướng của cuốn sách ấy, có hai chữ Do Thái khác nhau được sử dụng để nói về “tình yêu”. Trước hết là chữ dodim, một chữ ở số nhiều, có ý nghĩa về một tình yêu vẫn còn bấp bênh, bất định và đang tìm kiếm. Chữ này được thay thế bằng chữ ahabà, chữ được bản Hy Lạp dịch có nghĩa giống như agape – từ ái, một chữ, như chúng ta biết, trở thành một diễn tả kiểu mẫu cho quan niệm của Thánh Kinh về tình yêu. Ngược lại với một thứ tình yêu bất định và đang tìm kiếm, chữ này diễn tả một cảm nghiệm về một tình yêu thực sự khám phá ra nhau, vượt ra ngoài tính chất vị kỷ là những gì nổi bật trước đó. Bấy giờ tình yêu trở thành mối quan tâm và chăm sóc cho nhau. Nó không còn tìm mình, một thứ chìm đắm vào tình trạng mê man hạnh phúc; thay vào đó, nó tìm kiếm thiện ích của người yêu: nó trở thành việc bỏ mình và nó sẵn sàng, thậm chí tình nguyện, hy sinh bản thân.

 

Chính vì việc tăng trưởng của tình yêu trong việc tiến tới một mức độ cao hơn cũng như đến việc thanh tẩy nội tâm mà bấy giờ nó tìm cách trở thành tận tuyệt, và nó làm như thế theo nghĩa lưỡng diện: cả theo nghĩa độc chiếm (chỉ con người đặc biệt này mà thôi) lẫn theo nghĩa “vĩnh viễn”. Tình yêu bao gồm toàn thể cuộc sống ở từng chiều kích của nó, bao gồm cả chiều kích thời gian. Khó lòng mà khác đi được, vì cái hứa hẹn của nó hướng tới đích điểm tận cùng của nó: yêu thương hướng đến vĩnh hằng. Tình yêu thực sự là “chất ngất”, không phải theo nghĩa đắm say chốc lát, mà như là một cuộc hành trình, một cuộc vượt thoát liên tục từ cái tôi khép kín tìm mình đến việc nó thanh thoát ban mình, nhờ đó, tới việc thực sự tự khám phá thấy bản thân mình và thực sự là khám phá thấy Thiên Chúa: “Ai tìm cách giữ lấy sự sống mình thì sẽ đánh mất nó, còn ai mất sự sống mình thì lại giữ được nó” (Lk 17:33), như Chúa Giêsu nói ở các Phúc Âm (x Mt 10:39, 16:25; Mk 8:35; Lk 9:24; Jn 12:25). Qua những lời này, Chúa Giêsu phác tả con đường của Người, một con đường dẫn qua Thập Giá tới Phục Sinh: con đường của hạt lúa miến rơi xuống đất mục nát đi, nhờ đó sinh nhiều hoa trái. Khởi đi từ thẳm cung của việc hy sinh của Người và của tình yêu nhờ đó tiến đến chỗ viên trọn, Người cũng, qua những lời ấy, phác tả yếu tính của yêu thương và thực sự là của chính đời sống con người. 

 

7.         Tự lý lẽ nội tại của mình, những suy tư khởi đầu có vẻ triết lý này về yếu tính của tình yêu giờ đây đưa chúng ta tới ngưỡng cửa của niềm tin Thánh Kinh. Chúng ta bắt đầu đặt vấn đề phải chăng những ý nghĩa khác nhau, hay thậm chí nghịch nhau, của tiếng “yêu thương” cho thấy một mối hiệp nhất nền tảng sâu xa, hay phải chăng, ngược lại, chúng cần phải giữ tình trạng bất liên hệ, tình trạng sát cánh với nhau. Quan trọng hơn nữa, chúng ta đặt vấn đề là sứ điệp yêu thương được Thánh Kinh và Thánh Truyền của Giáo Hội công bố cho chúng ta có một số điểm nào đó liên hệ với cảm nghiệm yêu thương chung của loài người chăng, hay nó nghịch lại với cảm nghiệm ấy. Vấn đề này lại dẫn chúng ta tới hai chữ căn bản, đó là eros, như một từ ngữ ám chỉ tình yêu “trần thế” và agape, liên quan tới tình yêu được bắt nguồn từ đức tin và được hình thành bởi đức tin. Hai quan niệm này thường tương phản như thứ tình yêu “hướng thượng” và thứ tình yêu “hướng hạ”. Có những phân loại khác tương tự, như phân biệt giữa tình yêu chiếm hữu và tình yêu nhân ái (amor concupiscentiae – amor benevolentiae), một phân biệt đôi khi còn bao gồm cả thứ tình yêu tìm kiếm lợi lộc riêng mình nữa.

 

Trong cuộc tranh cãi về triết lý và thần học thì những phân biệt này thường đi đến chỗ cực đoan tới độ thiết lập một phản đề rõ ràng giữa chúng: tình yêu đi xuống, nhân ái – agape – là tiêu biểu cho Kitô Giáo, trong khi tình yêu đi lên, chiếm hữu hay tham lam – eros – là tiêu biểu cho văn hóa ngoài Kitô Giáo, đặc biệt là Hy Lạp. Nếu phản đề này đi đến chỗ cực đoan thì yếu tính của Kitô Giáo sẽ bị tách rời khỏi những liên hệ sống còn nồng cốt cho việc hiện hữu của con người, và sẽ trở thành một thế giới phân ly, có dù đáng khâm phục, song hoàn toàn tách biệt khỏi cơ cấu phức tạp của sự sống con người. Thế nhưng erosagape – tình yêu hướng thượng và tình yêu hướng hạ – không bao giờ hoàn toàn tách khỏi nhau. Hai tình yêu này, qua những khía cạnh khác nhau của chúng, càng liên kết với nhau một cách thích hợp trong một thực tại yêu thương duy nhất, thì bản chất thực sự của tình yêu nói chung càng hiện thực. Cho dù eros mới đầu thực sự là tham lam và hướng thượng, một thứ đắm say theo đuổi cái hứa hẹn mãnh liệt của hạnh phúc, thì trong việc tiến đến gần nhau, nó càng ngày càng ít quan tâm tới bản thân, càng tìm kiếm hạnh phúc của nhau, càng quan tâm tới người yêu, hiến thân và muốn “ở đó vì” nhau. Bởi thế yếu tố agapetừ ái thấm nhập vào tình yêu này, bằng không, eros – tình ái bị khô cằn, thậm chí mất đi bản chất của nó. Ngoài ra, con người không thể nào sống nguyên bởi tình yêu nhân ái, hướng hạ. Họ không thể nào luôn luôn ban tặng, họ cũng cần phải nhận lãnh nữa. Ai muốn trao ban tình yêu cũng lãnh nhận tặng ân yêu thương. Thật vậy, như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta, người ta có thể trở thành nguồn mạch tuôn ra những giòng sông chảy nước sự sống (x Jn 7:37-38). Tuy nhiên, để trở thành một mạch nguồn như thế, người ta cần phải liên lỉ uống lại từ chính nguồn gốc nguyên thủy là Chúa Giêsu Kitô, Đấng có con tim bị đâm thâu tuôn trào tình yêu Thiên Chúa (x Jn 19:34).

 

Trong trình thuật cái thang của tổ phụ Giacóp, các Giáo Phụ của Giáo Hội đã thấy mối liên hệ bất khả phân ly giữa tình yêu hướng thượng và hướng hạ, giữa eros – tình ái là thứ tình yêu tìm kiếm Thiên Chúa và agape – từ ái là thứ tình yêu truyền đạt tặng ân được nhận lãnh, được tiêu biểu ở những cách thức khác nhau. Ở đoạn Thánh Kinh này, chúng ta đọc thấy Tổ Phụ Giacóp đã thấy trong giấc mơ, trên viên đá gối đầu, một cái thang bắc lên tới trời, trên cái thang này có các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống (x Gen 28:12; Jn 1:51). Trong văn kiện Pastoral Rule của mình, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã dẫn giải một cách đặc biệt  thu hút về thị kiến này. Ngài nói với chúng ta rằng vị mục tử tốt lành cần phải sâu xa chiêm niệm. Chỉ có thế, vị mục tử này mới có thể nhận lấy các nhu cầu của người khác và coi chúng như là của mình: “per pietatis viscera in se infirmitatem caeterorum transferat” (II, 5: SCh 381, 196). Thánh Grêgôriô nói theo chiều hướng của Thánh Phaolô, vị đã được nâng lên cao cả tới những mầu nhiệm siêu việt nhất của Thiên Chúa, và vì thế, khi trở xuống lại, ngài đã có thể trở nên tất cả mọi sự cho mọi người (x 2Cor 12:2-4; 1Cor 9:22). Ngài cũng đề cập tới gương của Moisen, vị đã tiến vào thời điểm nhà tạm, mà một lần nữa, nhờ việc duy trì trao đổi với Thiên Chúa, nhờ đó, khi trở lại ông mới có thể phục vụ dân của ông. “Trong (lều) ông được nâng lên cao nhờ chiêm niệm, trong khi đó bề ngoài ông lại hoàn toàn dấn thân giúp đỡ những ai khổ đau: intus in contemplationem repitur, foris infirmantium negotiis urgetur” (Ibid., 198).

 

8.         Như thế, chúng ta đã tiến đến việc giải đáp mở đầu cho dù vẫn còn có tính cách chung chung cho hai vấn nạn được nêu lên trước đây. Theo căn bản thì “yêu thương” là một thực tại duy nhất, nhưng có những chiều kích khác nhau; vào những lúc khác nhau, một chiều kích này hay chiều kích kia có thể nổi nang hơn. Tuy nhiên, một khi hai chiều kích hoàn toàn tách biệt khỏi nhau thì kết quả là một bức tranh hí họa, hay ít là một hình thức yêu thương cằn cỗi. Và chúng ta cũng đã thấy, một cách tổng hợp, là đức tin theo Thánh Kinh không tạo ra một vũ trụ song song, hay một vũ trụ ngược lại với cái hiện tượng nhân bản khởi nguyên là yêu thương, song chấp nhận toàn diện con người; đức tin này can thiệp vào việc họ tìm kiếm yêu thương để thanh tẩy nó cũng như để tỏ ra cho thấy những chiều kích mới của nó. Cái mới mẻ nơi niềm tin của Thánh Kinh này được tỏ ra chính yếu nơi hau yếu tố đáng được đề cao, đó là hình ảnh của Thiên Chúa và hình ảnh của con người.

 

Cái Mới Mẻ của Đức Tin Thánh Kinh

 

9.         Trước hết, thế giới của Thánh Kinh trình bày cho chúng ta thấy một hình ảnh mới mẻ về Thiên Chúa. Theo các nền văn hóa chung quanh thì hình ảnh về Thiên Chúa và về các thần linh hoàn toàn không rõ ràng và tương khắc. Tuy nhiên, trong tiến trình của đức tin Thánh Kinh thì nội dung của lời nguyện cầu nền tảng đối với dân Do Thái là Shema là những gì càng trở thành rõ ràng và không còn mập mờ nữa: “Ôi Yến Duyên, hãy nghe đây, Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất” (Deut 6:4). Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tạo Thành trời đất, Đấng bởi thế là Thiên Chúa của tất cả. Câu này bao gồm hei yếu tố quan trọng: tất cả mọi thần linh khác không phải là Thiên Chúa, và vũ trụ chúng ta đang sống đây được bắt nguồn từ Thiên Chúa và được tạo dựng bởi Ngài. Chắc chắn là quan niệm về việc tạo dựng cũng được thấy ở những nơi khác, nhưng chỉ có ở nơi đây nó mới hoàn toàn sáng tỏ, ở chỗ không phải là một vị thần linh trong số nhiều vị khác, mà là chính vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này là nguồn mạch của tất cả những gì hiện hữu; toàn thể vũ trụ hiện hữu là do quyền năng Lời sáng tạo của Ngài. Do đó, việc Ngài sáng tạo là những gì thân thương đối với Ngài, vì nó do ý muốn của Ngài và được “thực hiện” bởi Ngài. Đến đây xuất hiện yếu tố quan trọng thứ hai, đó là Vị Thiên Chúa này yêu thương con người. Quyền năng thần linh được Aristote ở vào tột đỉnh triết lý Hy Lạp tìm cách để nắm bắt qua suy tư, thật sự là một đối tượng đáng ước ao và yêu mến đối với mọi hữu thể – và là đối tượng của mến yêu mà thần tính này tác động thế giới (Cf. Metaphysics, XII, 7) – nhưng tự mình đối tượng này không thiếu gì và chẳng mến yêu: nó chỉ là một đối tượng để mến yêu mà thôi. Vị Thiên Chúa duy nhất được dân Yến Duyên tin tưởng, trái lại, biết yêu thương bằng một tình yêu cá vị. Hơn thế nữa, tình yêu của Ngài là một tình yêu kén chọn, ở chỗ, trong số tất cả mọi quốc gia Ngài đã chọn Yến Duyên và yêu thương Yến Duyên – thế nhưng Ngài làm thế chính là vì để chữa lành toàn thể nhân loại. Thiên Chúa là Đấng yêu thương, và tình yêu của Ngài thật sự được gọi là eros – tình ái, nhưng nó cũng hoàn toàn là agape – từ ái (Cf. Ps.-Dionysius the Areopagite, who in his treatise The Divine Names, IV, 12-14: PG 3, 709-713 calls God both eros and agape).

 

Các vị tiên tri, nhất là tiên tri Hosea và Ezekiel, đã diễn tả việc Thiên Chúa say yêu dân của Ngài bằng những hình ảnh eros – tình ái nóng bỏng. Mối liên hệ của Thiên Chúa với Yến Duyên được diễn tả bằng những từ ngữ bóng bẩy đính hôn và kết hôn; bởi thế mà việc tôn thờ ngẫu tượng là những gì ngoại tình và làm điếm. Ở đây chúng ta thấy được một ám chỉ đặc biệt – như chúng ta đã từng thấy – về những thứ sùng bái sinh sôi nẩy nở cùng với việc lạm dụng eros – tình ái của những thứ sùng bái này, thế nhưng chúng ta cũng thấy được hình ảnh về mối liên hệ thủy chung giữa Yến Duyên và Thiên Chúa của dân này. Lịch sử của mối liên hệ yêu thương giữa Thiên Chúa và Yến Duyên là ở tại, thuộc mức độ sâu xa nhất, sự kiện là Ngài đã ban cho Yến Duyên Bộ Ngũ Kinh, nhờ đó mở mắt Yến Duyên cho họ thấy được bản tính đích thực của con người và tỏ cho họ thấy con đường dẫn họ tới chiều kích nhân bản chân chính. Nó ở tại sự kiện là con người, nhờ cuộc sống trung thành với Vị Thiên Chúa duy nhất này, mới cảm nghiệm được bản thân mình được Thiên Chúa yêu thương, và mới khám phá thấy niềm vui trong chân lý và chính trực – một niềm vui trong Thiên Chúa là Đấng trở nên hạnh phúc chính yếu của họ: “Còn ai con có ở trên trời ngoài Chúa đây? Và còn gì trên trái đất này con ước mong ngoài Chúa… thật là phúc đức cho con được ở gần Thiên Chúa” (Ps 73[72]:25,28). 

 

10.       Chúng ta đã thấy rằng cái eros - tình ái của Thiên Chúa cũng hoàn toàn là agape – từ ái. Điều này không phải chỉ vì tình yêu này được hiến ban hoàn toàn nhưng không, không căn cứ vào tiền nghiệp, mà còn bởi nó là một tình yêu thứ tha nữa. Đặc biệt là tiên tri Hosea đã cho chúng ta thấy rằng chiều kích agape – từ ái này của tình yêu Thiên Chúa đối với con người còn vượt lên trên khía cạnh nhưng không nữa. Yên Duyên đã “ngoại tình” và đã vi phạm đến giao ước; Thiên Chúa cần phải đặt lại vấn đề và cắt đứt liên hệ với dân này. Chính ở chỗ này mà Thiên Chúa đã mạc khải Ngài là Thiên Chúa chứ không phải là con người: “Ôi Ephraim, làm sao ta có thể ruồng ray ngươi cho đành! Ôi Yến Duyên, làm sao Ta có thể trao nộp ngươi đi… Lòng Ta cảm thấy bùi ngùi, tình thương của Ta tha thiết và dịu dàng. Ta sẽ không hành sử cơn giận dữ dội của Ta, Ta sẽ không tái hủy diệt Ephraim đâu; vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải là con người, là Đấng Thánh ở giữa các người” (Hos 11:8-9). Tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đối với dân của Ngài – đối với nhân loại – đồng thời cũng là một tình yêu thứ tha. Thật là lạ lùng khi Thiên Chúa quay ra chống lại mình, tình yêu thương của Ngài chống lại đức công chính của Ngài. Ở đây, Kitô hữu mới có thể thấy được một tiền thân mờ mờ về mầu nhiệm Thập Giá: Thiên Chúa đã yêu thương con người cao cả đến nỗi hóa thân làm người để Ngài theo họ cho tới chết, nhờ đó hóa giải công lý và tình yêu.

 

Chiều kích triết lý cần phải được ghi nhận nơi nhãn quan thánh kinh này, và tầm quan trọng của nó theo quan điểm của lịch sử các đạo giáo, thật sự là ở chỗ, một đàng, chúng ta cảm thấy có một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn về siêu hình: Thiên Chúa là nguồn mạch tuyệt đối và tối hậu của tất cả mọi hữu thể; thế nhưng nguyên tắc tạo dựng phổ quát này – đó là Logos, lý trí nguyên khởi – đồng thời cũng là một chủ thể yêu thương với tất cả say mê của một tình yêu chân thực. Eros – tình ái bởi thế được thăng hóa hết cỡ, đồng thời nó cũng được thanh tẩy để hiệp nhất nên một với agape – từ ái. Bởi vậy chúng ta mới thấy được ra sao việc chấp nhận Sách Diễm Tình Ca vào sổ bộ Thánh Kinh sớm được giải thích bởi ý nghĩ là những bài tình ca này trên hết diễn tả mối liên hệ của Thiên Chúa với con người và mối liên hệ của con người với Thiên Chúa. Do đó, Sách Diễm Tình Ca trở nên, cả nơi văn chương Kitô Giáo lẫn Do Thái, một nguồn kiến thức và cảm nghiệm thần bí, một thể hiện yếu tính của đức tin Thánh Kinh, đó là việc con người thực sự có thể hiệp nhất với Thiên Chúa – ước vọng nguyên khôi của họ. Thế nhưng, mối hiệp nhất này không phải chỉ là một thứ thuần hỗn hợp, một thứ chìm đắm trong một đại dương vô loài của Thần Linh; nó là một thứ hiệp nhất tạo nên yêu thương, một thứ hiệp nhất cả Thiên Chúa lẫn con người vẫn là mình nhưng lại hoàn toàn nên một. Thánh Phaolô nói: “Ai liên kết với Chúa thì nên một tinh thần với Người” (1Cor 6:17).

 

11.       Cái mới mẻ đầu tiên của đức tin Thánh Kinh, như chúng ta đã thấy, là ở hình ảnh về Thiên Chúa của niềm tin này. Cái mới mẻ thứ hai, liên quan thực sự tới cái mới mẻ thứ nhất vừa rồi, là ở hình ảnh về con người. Trình thuật của Thánh Kinh về việc tạo dựng nói tới cảnh cô đơn của Adong, con người tiên khởi, và việc Thiên Chúa quyết định ban cho con người này một trợ hữu. Trong tất cả mọi loài tạo vật, không có một loài nào có thể trở thành trợ hữu như con người cần, cho dù con người đã đặt tên cho tất cả mọi muông thú và chim trời, do đó đã biến chúng hoàn toàn trở thành những gì thuộc về cuộc sống của con người. Bởi vậy Thiên Chúa đã hình thành người nữ từ xương sườn của con người. Thế là Adong thấy được người trợ hữu cần thiết: “Cuối cùng thì đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (Gen 2:23). Ở đây, người ta có thể thấy được, chẳng hạn, cái dấu vết tư tưởng nơi huyền thoại được triết gia Plato đề cập tới, một huyền thoại cho rằng con người ban đầu là hình cầu, vì con người tự mình toàn vẹn và sung túc. Thế nhưng, vì bị trừng phạt bởi tội kiêu căng ngạo mạn, con người bị thần Zeus phân chia làm đôi, để rồi con người mong muốn có được một nửa khác của mình, cố gắng hết sức để chiếm hữu lấy cái nửa mình này, để rồi phục hồi lại được tính chất nguyên vẹn của mình (Plato, Symposium, XIV-XV, 189c-192d). Vì trình thuật Thánh Kinh không hề nói tới vấn đề trừng phạt mà ý nghĩ này thực sự cho thấy rằng con người thiếu hụt làm sao ấy, họ được bản tính thúc đẩy đi tìm kiếm một cái gì khác làm cho họ trở thành toàn thể, một ý nghĩ mà chỉ có ở nơi mối hiệp thông với thực thể dị tính họ mới có thể được “toàn vẹn”. Bởi thế trình thuật Thánh Kinh mới kết thúc bằng một lời tiên báo về Adong rằng: “Thế là người nam rời bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ để cả hai trở nên một xác thịt” (Gen 2:24).

 

Hai khía cạnh của ý nghĩ này là những gì quan trọng. Khía cạnh thứ nhất, eros – tình ái là những gì bắt nguồn một cách nào đó từ chính bản tính của con người; Adong là một kẻ tìm kiếm, người “lìa bỏ cha mẹ mình” để tìm gặp người nữ; chỉ bao giờ cùng nhau chung sống cả hai mới biểu hiện cho một nhân loại trọn vẹn và mới trở nên “một xương thịt”. Khía cạnh thứ hai cũng quan trọng như thế. Từ quan điểm tạo dựng, eros – tình ái hướng con người tới đời sống hôn nhân, tới một mối thắt kết đặc thù và tận tuyệt; bởi thế, và chỉ vì thế, nó mới thực sự làm trọn mục đích sâu xa nhất của mình. Tương đương với hình ảnh về một Vị Thiên Chúa độc thần là đời sống hôn nhân đơn thê. Hôn nhân được xây dựng trên một tình yêu độc chiếm và tận tuyệt trở thành hình ảnh cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài cũng như ngược lại. Đường lối yêu thương của Thiên Chúa trở thành mức đo lường tình yêu thương của con người. Thực tế cho thấy, văn chương ngoài Thánh Kinh không có những gì giống như mối liên hệ chặt chẽ này giữa eros – tình ái và hôn nhân trong Thánh Kinh.

 

Chúa Giêsu Kitô – Lời Nhập Thể của Thiên Chúa

 

12.       Mặc dù cho tới đây chúng ta đã nói chính yếu về Cựu Ước, nhưng tính cách thấm nhiễm nhau giữa hai Giao Ước như một Thánh Kinh duy nhất của đức tin Kitô Giáo đã từng là những gì hiển nhiên. Cái mới mẻ thực sự của Tân Ước không phải ở những tư tưởng mới cho bằng ở hình ảnh về chính Chúa Giêsu, Đấng hiến huyết nhục cho những quan niệm ấy – tức làm cho chúng trở thành một hiện thực chưa từng có. Ở Cựu Ước, cái mới mẻ của Thánh Kinh không chỉ ở tại những ý niệm trừu tượng mà là ở nơi hoạt động bất khả ngờ và có thể chưa từng có của Thiên Chúa. Hoạt động thần linh này giờ đây được mặc một hình thức cảm kích khi, chính Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu Kitô, đi tìm kiếm “con chiên lạc”, tức tìm kiếm một nhân loại khổ đau và lạc loài. Khi Chúa Giêsu nói qua các dụ ngôn của Người về vị mục tử tìm kiếm con chiên lạc, về người đàn bà tìm kiếm đồng xu bị mất, về người cha đi gặp mặt và ôm chầm lấy đứa con trai hoang đàng của ông, thì những dụ ngôn ấy không phải chỉ là những lời xuông, vì chúng là những gì cho thấy chính hữu thể và hoạt động của Người. Cái chết của Người trên Thập Giá là tột đỉnh của những gì làm cho Thiên Chúa quay ra chống lại chính Người, một thái độ Người hiến mình để nâng con người lên và cứu độ con người. Đó là tình yêu mặc một hình thức cực đoan nhất. Bằng việc chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô (x 19:37), chúng ta có thể hiểu khởi điểm của bức Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu (1Jn 4:8) này. Chính ở nơi đó mà sự thật này có thể được ngắm. Chính từ đó mà việc chúng ta định nghĩa về tình yêu được bắt đầu. Nơi việc chiêm ngắm này, Kitô hữu khám phá ra con đường mà cuộc đời và tình yêu của họ cần phải trải qua.

 

13.       Chúa Giêsu đã ban cho tác động tế hiến này một sự hiện diện liên tục bằng việc thiết lập Thánh Thể ở Bữa Tiệc Ly. Người đã thể hiện trước cuộc tử nạn và phục sinh của Người bằng việc ban cho các môn đệ của Người, nơi bánh và rượu, chính bản thân Người, mình và máu của Người như là một thứ manna mới (x Jn 6:31-33). Thế giới cổ thời đã lờ mờ nhận thấy rằng lương thực đích thật của con người – những gì thực sự nuôi dưỡng một con người như họ – tối hậu là Logos - Lời, là khôn ngoan hằng hữu: chính Logos – Lời này giờ đây trở nên lương thực cho chúng ta – như là tình yêu thương. Thánh Thể đưa chúng ta vào tác động tự hy hiến của Chúa Giêsu. Thay vì lãnh nhận Logos – Lời nhập thể một cách thiếu sống động, chúng ta tham phần vào chính cái sinh động của việc tự hiến của Người. Hình ảnh về cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và Yến Duyên giờ đây được hiện thực một cách không thể ngờ được trước đó, ở chỗ, nó đã nhắm đến việc đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa, giờ đây nó được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa qua việc thông phần vào việc hiến mình của Chúa Giêsu, tham dự vào mình máu của Người. “Cái mầu nhiệm” về bí tích này, một mầu nhiệm được bắt nguồn từ việc Thiên Chúa chiếu cố tới chúng ta, tác động ở một tầm mức hoàn toàn khác nhau, và là những gì nâng chúng ta lên đến những đỉnh rất cao, hơn cả những gì từng khả đạt bởi bất cứ cuộc thăng hóa thần bí nào của con người.

 

14.       Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần để ý tới một khía cạnh khác nữa, đó là khía cạnh “thần bí” của bí tích có tính cách xã hội, vì nơi mối hiệp thông về bí tích này, tôi trở nên một với Chúa, giống như tất cả mọi người chịu lễ khác vậy. Thánh Phaolô viết: “Vì chỉ có một tấm bánh duy nhất mà chúng ta dù nhiều cũng chỉ là một thân thể, bởi tất cả chúng ta đều được dự phần vào tấm bánh duy nhất này” (1Cor 10:17). Việc hiệp nhất với Chúa Kitô cũng là việc hiệp thông với tất cả những ai được Người ban chính mình Người cho. Tôi không thể chiếm hữu Chúa Kitô chỉ cho riêng bản thân mình; tôi chỉ có thể thuộc về Người trong mối hiệp nhất với tất cả những ai đã trở nên hay những ai sẽ trở thuộc về Người. Việc hiệp lễ kéo chúng ta ra khỏi bản thân mình để đến với Người, nhờ đó cũng đến với tất cả mọi Kitô hữu. Chúng ta trở thành “một thân thể”, hoàn toàn liên kết thành một cuộc sống duy nhất. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân bấy giờ thực sự liên kết với nhau, ở chỗ, Thiên Chúa nhập thể là để lôi kéo tất cả chúng ta đến với chính mình Người. Bởi thế, chúng ta mới có thể hiểu làm thế nào mà agape – từ ái cũng trở thành một từ ngữ giành cho Thánh Thể, vì nơi Thánh Thể cái agape - từ ái của Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta thấy một cách thể lý, để Người có thể tiếp tục công việc của Người nơi chúng ta và qua chúng ta. Chỉ khi nào chú ý tới nền tảng Kitô học và bí tích học này chúng ta mới có thể hiểu được một cách xác đáng giáo huấn của Chúa Giêsu về yêu thương. Vấn đề hoán chuyển được Người thực hiện từ Lề Luật và Tiên Tri thành giới răn lưỡng diện mến Chúa yêu người, cũng như việc Người đặt nền tảng cho toàn thể đời sống đức tin trên huấn thị chính yếu này, không phải chỉ là vấn đề về luân lý – tức một điều gì đó có thể xẩy ra bên ngoài đức tin và theo niềm tin tưởng vào Chúa Kitô cũng như theo niềm tin tưởng vào tính cách tái hiện thực của bí tích. Đức tin, việc tôn thờ và ethos – tính cách đặc trưng là những gì quyện lấy nhau như một thực tại duy nhất xẩy ra nơi việc chúng ta gặp gỡ cái agape - từ ái của Thiên Chúa. Nơi đây, cái vị thế tương khắc thường tình giữa việc tôn thờ với vấn đề đạo lý hoàn toàn không còn nữa. Chính việc “tôn thờ”, việc hiệp thông Thánh Thể, là ở thực tại vừa được yêu thương vừa yêu thương người khác. Một thứ Thánh Thể mà không trở thành một thực hành yêu thương cụ thể thì tự bản chất là những gì phân mảnh. Trái lại, như chúng ta sẽ bàn đến sâu xa hơn dưới đây, “giới luật” yêu thương chỉ trở thành khả dĩ vì nó còn hơn là một đòi hỏi nữa. Yêu thương có thể được trở thành “huấn lệnh” vì trước hết nó là những gì được hiến ban.

 

15.       Nguyên tắc này là khởi điểm để hiểu được những dụ ngôn hay ho của Chúa Giêsu. Con người phú hộ (x Lk 16:19-31), từ nơi cực hình của mình, đã van xin cho anh em mình được biết tới những gì xẩy ra cho những ai chỉ biết coi thường thành phần nghèo khổ đang cần giúp đỡ. Chúa Giêsu đã lợi dụng tiếng kêu cầu cứu trợ này như một lời cảnh giác giúp chúng ta trở về với đường ngay nẻo chính. Dụ ngôn người Samaritanô Nhân Lành (x Lk 10:25-37) làm sáng tỏ hai điều quan trọng. Cho tới lúc bấy giờ thì quan niệm “cận nhân” được hiểu như chỉ có liên quan tới người đồng hương của mình và tới thành phần ngoại quốc đã ở trong đất Do Thái; nói cách khác, chỉ liên quan tới cộng đồng gắn bó chặt chẽ của một đất nước hay dân tộc duy nhất mà thôi. Giới hạn này bấy giờ đã bị hủy bỏ. Bất cứ ai cần đến tôi, và người nào tôi có thể giúp đỡ, đều là cận nhân của tôi. Quan niệm về “cận nhận” giờ đây được hoàn vũ hóa, tuy nhiên nó vẫn là những gì cụ thể. Cho dù được nới rộng bao gồm toàn thể nhân loại, nó vẫn không biến thành một thứ diễn đạt tổng quan, trừu tượng và không nhất thiết của yêu thương, mà là những gì cần tới việc dấn thân cụ thể của tôi vào lúc này đây. Giáo Hội có nhiệm vụ giải thích một cách mới mẻ hơn bao giờ hết mối liên hệ giữa gần và xa này đối với cuộc sống thực tiễn hằng ngày của phần tử mình. Sau hết, chúng ta đặc biệt cần phải đề cập tới đại dụ ngôn Chung Thẩm (x Mt 25:31-46), một dụ ngôn yêu thương trở thành tiêu chuẩn để căn cứ cho phán quyết cuối cùng về cuộc sống con người có xứng đáng hay chăng. Chúa Kitô đã đồng hóa mình với những ai đang cần được giúp đỡ, với thành phần đói ăn, thành phần khát uống, thành phần khách lạ, thành phần trần trụi, thành phần đau yếu và những ai bị tù ngục. “Khi các người làm điều ấy cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là các người làm cho chính Ta” (Mt 25:40). Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân đã trở nên một: nơi thành phần anh chị em hèn mọn nhất chúng ta thấy được chính Chúa Giêsu, và nơi Chúa Giêsu chúng ta gặp được Thiên Chúa.

 

Tình Yêu Thiên Chúa và Tình Yêu Tha Nhân

 

16.       Suy niệm về bản chất của yêu thương và ý nghĩa của nó theo đức tin Thánh Kinh, chúng ta còn hai vấn đề liên quan tới thái độ của chúng ta, đó là thái độ chúng ta có thể nào kính mến Thiên Chúa mà lại không trông thấy Ngài hay chăng? Và có thể nào yêu thương lại là những gì được huấn lệnh hay chăng? Những vấn nạn này làm khơi động lên một thứ lưỡng chống đối với lưỡng giới yêu thương. Không ai đã từng được thấy Thiên Chúa, vậy thì làm sao chúng ta có thể byêu mến Ngài được đây? Ngoài ra, yêu thương là những gì không thể nào bị trở thành huấn lệnh được; nó hoàn toàn là một thứ cảm tình không thể nào một là có hai là không, và cũng không thể nào do ý muốn mà có. Thánh Kinh dường như tái khẳng định điều chống đối thứ nhất khi nói rằng: “Nếu ai nói là ‘tôi kính mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh chị em mình thì là kẻ dối trá điêu ngoa; vì nếu họ không yêu thương anh chị em mình là thành phần họ trông thấy thì họ không thể nào kính mến Thiên Chúa là Đấng họ không thấy được” (1Jn 4:20). Thế nhưng, đoạn Thánh Kinh này không loại trừ tình yêu Thiên Chúa như là một điều gì đó bất khả. Trái lại, tất cả ý nghĩa của đoạn được trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan này cho thấy rằng tình yêu ấy là những gì hoàn toàn cần thiết. Mối liên kết bất khả phân ly giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là những gì được nhấn mạnh đến ở đây. Tình yêu này khít khao gắn bó với tình yêu kia chặt chẽ tới độ việc chúng ta nói rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa sẽ trở thành dối trá nếu chúng ta khép cửa lòng lại trước tha nhân của chúng ta hay hoàn toàn ghét bỏ họ. Trái lại, những lời của Thánh Gioan cần phải được hiểu có nghĩa là tình yêu thương tha nhân là con đường dẫn đến việc gặp gỡ Thiên Chúa, và thái độ chúng ta nhắm mắt trước tha nhân cũng làm cho chúng ta bị mù lòa trước Thiên Chúa.

 

17.       Đúng thế, chưa một ai đã từng thấy được Thiên Chúa ra sao. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại không hoàn toàn vô hình đối với chúng ta; Ngài vẫn không phải là Đấng hoàn toàn bất khả đến gần. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan được trích lại trên đây (x 4:10) đã viết như thế, và tình yêu này của Thiên Chúa đã tỏ hiện ở giữa chúng ta. Ngài đã trở thành hữu hình cho đến độ Ngài “đã sai Người Con duy nhất của mình đến thế gian, để chúng ta nhờ Người mà được sự sống” (1Jn 4:9). Thật thế, Thiên Chúa trở nên hữu hình qua nhiều cách thức. Trong câu truyện tình được Thánh Kinh thuật lại thì Ngài đã đến với chúng ta, Ngài tìm cách chiếm lấy lòng của chúng ta, suốt cho tới Bữa Tiệc Ly, tới khi c on tim của Người bị đâm thâu trên thập giá, tới những cuộc Người hiện ra sau Phục Sinh, và tới những việc làm lạ lùng nhờ hoạt động của các Tông Đồ mà Người đã hướng dẫn Giáo Hội sơ sinh trong cuộc hành trình của Giáo Hội. Chúa Kitô cũng không vắng bóng nơi lịch sử Giáo Hội sau đó: Người gặp gỡ chúng ta một cách mới mẻ hơn bao giờ hết, nơi thành phần nam nữ phản ảnh việc hiện diện của Người, nơi lời của Người, nơi các bí tích, nhất là nơi Thánh Thể. Trong Phụng Vụ của Thánh Thể, trong việc Giáo Hội nguyện cầu, trong cộng đồng sống động của thành phần tín hữu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy được sự hiện diện của Ngài, và nhờ đó chúng ta nhận thức thấy việc hiện diện ấy trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta trước và Ngài tiếp tục yêu thương chúng ta như thế; bởi vậy, cả chúng ta nữa mới có thể yêu thương đáp ứng. Thiên Chúa không đòi chúng ta một cảm tình tự mình chúng ta không thể xuất phát được. Ngài đã yêu thương chúng ta, Ngài làm cho chúng ta nhìn thấy và cảm thấy được tình yêu thương của Ngài, và vì Ngài đã “yêu thương chúng ta trước” mà tình yêu cũng mới có thể bừng rộ lên như một đáp ứng trong chúng ta.

 

Việc tỏ hiện từ từ về cuộc gặp gỡ này là những gì rõ ràng cho thấy rằng yêu thương không phải chỉ là một thứ tình cảm. Những thứ tình cảm thay đổi nay còn mai mất. Một tình cảm có thể bừng lên tuyệt vời lúc đầu, nhưng không phải là tất cả yêu thương. Trên đây chúng ta đã nói tới tiến trình thanh tẩy và trưởng thành nhờ đó eros - tình ái được nên trọn, được trở thành yêu thương với tất cả ý nghĩa của từ ngữ này. Chính đặc tính của tình yêu chín chắn này cần đến tất cả tiềm năng của con người; có thể nói nó bao gồm toàn thể con người. Việc giao tiếp với những biểu lộ hữu hình của tình yêu Thiên Chúa có thể khơi lên trong chúng ta một cảm giác hân hoan, xuất phát từ cảm nghiệm về tình trạng chúng ta được yêu thương. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ này cũng bao gồm cả ý muốn lẫn lý trí của chúng ta nữa. Việc nhận biết Vị Thiên Chúa hằng sống này là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến yêu thương, và việc ý muốn của chúng ta “chấp nhận” ý muốn của Ngài là những gì liên kết lý trí của chúng ta, ý muốn của chúng ta và tình cảm của chúng ta với tác động yêu thương hoàn toàn bao chiếm này. Thế nhưng, tiến trình ấy bao giờ cũng vươn dài; tình yêu không bao giờ “kết thúc” và trọn vẹn cả; suốt cuộc sống, nó đổi thay và trưởng thành, nhờ đó nó vẫn trung thực với chính mình. Idem velle atque idem nolle (Sallust, De coniuratione Catilinae, XX, 4) -  việc muốn cùng một điều, và việc loại bỏ cùng một điều – được cổ nhân cho là nội dung đích thực của yêu thương, ở chỗ, điều này trở thành giống như điều kia, và điều ấy dẫn đến một cộng đồng ý muốn và ý nghĩ. Câu truyện tình giữa Thiên Chúa và con người ở chính sự kiện là mối hiệp thông về ý muốn gia tăng nơi mối hiệp thông về ý nghĩ và cảm tình, nhờ đó, ý muốn của chúng ta và ý muốn của Thiên Chúa càng ngày càng trùng hợp với nhau hơn, ở chỗ, ý muốn của Thiên Chúa đối với tôi không còn là một ý muốn xa lạ nữa, một cái gì đó áp đặt lên tôi từ bên ngoài bởi các giới luật, mà giờ đây chính là ý muốn của tôi, khi tôi nhận thức rằng Thiên Chúa thật sự hiện diện sâu xa đối với tôi hơn là chính tôi đối với bản thân mình (Cf. Saint Augustine, Confessions, III, 6, 11: CCL 27, 32). Bấy giờ, việc phó mình cho Thiên Chúa gia tăng và Thiên Chúa trở thành niềm vui của chúng ta (x Ps 73[72]:23-28).  

 

18.       Như thế, tình yêu thương tha nhân được chứng tỏ là khả hữu theo cách thức loan báo của Thánh Kinh, của Chúa Giêsu. Nó ở chính sự kiện là, trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa, tôi yêu thương thậm chí cả con người tôi không thích hay thậm chí không biết tới. Điều này chỉ có thể xẩy ra nhờ cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ đã trở thành mối hiệp thông ý muốn, thậm chí chi phối cả các cảm tình của tôi nữa. Bấy giờ tôi nhìn vào con người khác này không phải bằng con mắt và cảm tình của mình, mà bằng nhãn quan của Chúa Giêsu Kitô. Bạn hữu của Người là bạn bè của tôi. Vượt ra ngoài những dạng thức bề ngoài, tôi thấy được nơi những người khác một ước vọng sâu xa muốn một dấu hiệu yêu thương, một cử chỉ quan tâm. Tôi có thể cống hiến cho họ cử chỉ ấy, chẳng những nhờ các tổ chức được lập nên với mục đích như thế, khi coi cử chỉ này có thể như là một nhu cầu về chính trị. Khi nhìn bằng con mắt của Chúa Kitô, tôi có thể cống hiến cho nhau nhiều hơn là những gì họ cần thiết bề ngoài nữa; tôi có thể hiến cho họ một cái nhìn yêu thương họ thèm khát. Ở đây, chúng ta thấy tính cách liên hệ cần thiết giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân được Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan nhấn mạnh. Nếu tôi chẳng hề giao tiếp gì với Thiên Chúa trong đời sống của mình, thì tôi không thể nào thấy được nơi người khác bất cứ điều gì ngoài chính họ, nên tôi không thể thấy nơi họ hình ảnh Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu trong cuộc sống của mình, tôi hoàn toàn không lắng nghe chú ý tới người khác, chỉ muốn sống “đạo hạnh” và thi hành “các nhiệm vụ về đạo” của mình, thì mối liên hệ của tôi với Thiên Chúa cũng sẽ trở thành cằn cỗi mà thôi. Nó chỉ là những gì “thích hợp” nhưng thiếu yêu thương. Chỉ khi nào tôi sẵn sàng gặp gỡ tha nhân và cho họ thấy được tình yêu của mình bấy giờ tôi mới cảm thức được Thiên Chúa nữa. Chỉ khi nào tôi phục vụ tha nhân mình thì bấy giờ mắt của tôi mới mở ra thấy được những gì Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài yêu thương tôi là chừng nào. Các thánh nhân – hãy coi gương của Chân Phước Têrêsa Calcutta – hằng liên lỉ canh tân khả năng yêu thương tha nhân của mình từ việc gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, và cuộc gặp gỡ này, ngược lại, đã chiếm được cái thực hữu và chiều sâu của nó ở việc phục vụ tha nhân. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân bởi thế là những gì bất khả phân ly, chúng làm nên một giới luật duy nhất. Thế nhưng, cả hai đều sống bởi tình yêu của Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Thế nên, không còn vấn đề về một thứ “giới luật” bị áp đặt từ bên ngoài và vấn đề đòi hỏi những gì bất khả nữa, mà trái lại, về một cảm nghiệm yêu thương tự do tuôn phát từ bên trong, một tình yêu tự bản chất vốn là những gì cần được chia sẻ với người khác. Tình yêu tăng trưởng nhờ yêu thương. Tình yêu là những gì “linh thánh” vì nó xuất phát từ Thiên Chúa và nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa; qua tiến trình liên kết này, nó làm cho chúng ta trở thành một “cái chúng tôi” siêu việt, vượt trên những chia rẽ của chúng ta và làm cho chúng ta nên một, cho đến cuối cùng Thiên Chúa trở thành “tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28).

 

 

PHẦN HAI

 

ĐỨC ÁI

 

VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’

 

 

Hoạt Động Bác Ái của Giáo Hội là việc Biểu Lộ Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi

 

19.       Thánh Âu Quốc Tinh đã viết rằng: “Nếu anh chị em thấy đức ái là anh chị em thấy Chúa Ba Ngôi” (De Trinitate, VIII, 8, 12: CCL 50, 287). Ở những suy tư trước đây, chúng ta đã chú trọng tới Đấng Bị Đâm Thâu Qua (x Jn 19:37; Zech 12:10), khi nhận thức về dự án của Chúa Cha là Đấng đã vì yêu thương (x Jn 3:16) sai Người Con duy nhất của Ngài đến trần gian để cứu chuộc con người. Bằng việc chết trên cây Thập Tự Giá – như Thánh Gioan đã nói cho chúng ta hay – Chúa Giêsu “đã phó Thần Linh của Người” (Jn 19:30), một tác động hướng về tặng ân Thánh Linh sẽ được Người thông ban sau khi Người Phục Sinh (x Jn 20:22). Đó là những gì hoàn trọn lời hứa về “những giòng nước hằng sống” tuôn ra từ lòng thành phần tin tưởng, nhờ việc tuôn đổ Thần Linh ấy (x Jn 7:38-39). Thật vậy, Thần Linh là một thứ quyền lực nội tại hòa hợp lòng của họ với lòng của Chúa Kitô, và tác động họ yêu thương anh chị em của họ như Chúa Kitô đã yêu thương họ, khi Người cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ của Người (x Jn 13:1-13), và nhất là khi Người hiến sự sống mình vì chúng ta (x Jn 13:1, 15:13).

 

Thần Linh này cũng là một năng lực biến đổi con tim của cộng đồng Giáo Hội nữa, để cộng đồng này trở thành chứng nhân trước thế giới về tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn làm cho nhân loại nên một gia đình duy nhất của Con Ngài. Tất cả hoạt động của Giáo Hội đều là việc thể hiện của một tình yêu tìm kiếm sự thiện nguyên vẹn của con người, ở chỗ, hoạt động ấy tìm cách truyền bá phúc âm hóa con người bằng Lời Chúa và bằng Bí Tích, một việc đảm trách thường là những gì anh hùng ở đường lối thể hiện trong lịch sử; và nó tìm cách đề cao con người ở những phạm vi khác nhau của đời sống và hoạt động nhân bản. Bởi thế mà tình yêu là việc phục vụ được Giáo Hội thực hiện để liên lỉ chăm sóc tình trạng kổ đau của con người và những nhu cầu của họ, kể cả nhu cầu về vật chất. Đó là khía cạnh, khía cạnh phục vụ của đức ái, là những gì tôi muốn chú trọng tới ở phần thứ hai của bức Thông Điệp này vậy.

 

Bác Ái là Trách Nhiệm của Giáo Hội

 

20.       Tình yêu thương tha nhân, được bắt nguồn từ tình yêu thương của Thiên Chúa, là trách nhiệm trước hết và trên hết đối với mỗi cá nhân của thành phần tín hữu, thế nhưng nó cũng là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng Giáo Hội ở hết mọi cấp độ: từ cộng đồng địa phương đến Giáo Hội riêng cũng như tới toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Là một cộng đồng, Giáo Hội cần phải thực thi yêu thương. Bởi thế, yêu thương cần phải được tổ chức nếu nó muốn trở thành một việc phục vụ đàng hoàng cho cộng đồng. Điều nhận thức về trách nhiệm này đã là những gì liên quan về cơ cấu trong Giáo Hội ngay từ ban đầu, ở chỗ, “Tất cả những ai tin đều họp lại với nhau và để mọi sự làm của chung; họ bán của cải sản vật của mình đi để phân phát chúng cho tất cả mọi người, tùy theo nhu cầu của mỗi người” (Acts 2:44-45). Qua những lời ấy, Thánh Luca đã cống hiến một thứ định nghĩa về Giáo Hội, một Giáo Hội có những yếu tố về cơ chế bao gồm việc trung thành với “giáo huấn của các Vị Tông Đồ”, với “mối hiệp thông” (koinonia), với “việc bẻ bánh” và với “việc cầu nguyện” (x Acts 2:42). Yếu tố “hiệp thông (koinonia) mới đầu chưa được xác định, nhưng xuất hiện một cách cụ thể ở những câu được trích dẫn trên đây, vì nó bao gồm sự kiện là thành phần tín hữu coi mọi sự là của chung, và giữa họ không còn bất cứ biệt phân giầu nghèo nào nữa (cũng xem cả Acts 4:32-37). Khi Giáo Hội tăng trưởng thì hình thức căn bản về việc hiệp thông vật chất thực sự không còn bảo trì được nữa. Thế nhưng cái cốt lõi thiết yếu của nó vẫn còn, ở chỗ, trong cộng đồng tín hữu không bao giờ có một thứ nghèo khổ khiến bất cứ một ai phải chịu thiếu thốn cả những gì cần thiết để sống một cuộc đời xứng đáng.

 

21.       Một bước tiến quan trọng trong việc khó khăn tìm cách thực thi nguyên tắc căn bản này của Giáo Hội là những gì đã được minh chứng nơi việc chọn 7 vị, một việc đánh dấu nguồn gốc của vai trò phó tế (x Acts 6:5-6). Thật vậy, vào thời Giáo Hội sơ khai, trong việc phân phát hằng ngày cho thành phần góa bụa đã xẩy ra tình trạng không công bằng giữa những người nói tiếng Do Thái và những người nói tiếng Hy Lạp. Các Vị Tông Đồ, những vị chính yếu được ủy thác cho việc “cầu nguyện” (Thánh Thể và phụng vụ), cùng với “thừa tác vụ rao giảng”, đã cảm thấy nặng gánh bởi việc “phục vụ bàn ăn”, nên các vị đã quyết định bảo trì cho mình phận vụ chính yếu và ủy thác cho một nhóm 7 người làm những việc khác cũng cần thiết trong Giáo Hội. Nhóm này không phải chỉ thuần túy thực hiện việc phân phối mà thôi, họ là những con người “đầy Thần Linh và khôn ngoan” (x Acts 6:1-6). Nói cách khác, dịch vụ xã hội mà họ cần phải cung cấp hoàn toàn là những gì cụ thể, thế nhưng, đồng thời nó cũng là dịch vụ thiêng liêng nữa; những việc làm của họ thực sự đóng vai trò thiêng liêng là những gì thực thi trách nhiệm thiết yếu của Giáo Hội, tức là trách nhiệm yêu thương tha nhân một cách có tổ chức đàng hoàng. Trong việc hình thành nhóm 7 người này, “diaconia - việc phục vụ” – một thừa tác vụ bác ái được thi hành một cách hiệp thông theo cấp trật – đã trở thành một yếu tố cấu trúc nồng cốt của Giáo Hội.

 

22.       Khi năm tháng trôi qua và Giáo Hội lan rộng thì việc thực hành đức ái đã được thiết lập như là một trong những hoạt động thiết yếu của Giáo Hội, song song với việc ban phát các phép bí tích cùng việc loan báo Lời Chúa: việc yêu thương thành phần mồ côi góa bụa, thành phần tù phạm, thành phần đau yếu bệnh tật và cần thiết đủ thứ, là những gì thiết yếu đối với Giáo Hội như thừa tác vụ ban bí tích và rao giảng Phúc Âm vậy. Giáo Hội không thể nào lơ là bỏ bê việc bác ái phục vụ như Giáo Hội không thể bỏ bê lơ là các Phép Bí Tích và Lời Chúa. Để chứng tỏ điều này thì chỉ cần trích dẫn một chút cũng đủ. Thánh Justine Tử Đạo (khoảng năm 155) khi nói về việc Kitô hữu cử hành Ngày Chúa Nhật cũng đề cập tới hoạt động bác ái của họ, một hoạt động liên hệ với cả Thánh Thể nữa. Những ai có thể dâng cúng tùy theo khả năng của họ thì tùy ý mỗi người; vị Giám Mục sử dụng nhựng của dâng cúng ấy để giúp đỡ thành phần mồ côi góa bụa, thành phần yếu đau và những ai thiếu thốn cần thiết vì những lý do khác, như thành phần tù tội hay ngoại quốc (Cf. I Apologia, 67: PG 6, 429). Đại văn hào Kitô Giáo là Tertullianô (sau năm 220) đã thuật lại việc dân ngoại cảm kích ra sao trước mối quan tâm của Kitô hữu đối với đủ mọi thành phần khó khăn thiếu thốn (Cf. Apologeticum, 39, 7: PL 1, 468). Để rồi cho đến khi Thánh Ignatiô thành Antiôkia (khoảng năm 117) diễn tả Giáo Hội Rôma như là Giáo Hội “chủ trì trong đức ái (agape)” (Ep. ad Rom., Inscr: PG 5, 801), chúng ta mới cho rằng, qua định nghĩa này, ở một chiều kích nào đó, ngài cũng có ý nói  tới hoạt động bác ái cụ thể của Giáo Hội.

 

23.       Ở đây tưởng cũng nên nói sơ qua về những cấu trúc sơ khai nhất về pháp lý liên quan đến việc bác ái phục vụ trong Giáo Hội. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 4, chúng ta thấy được việc phát triển này ở Ai Cập về các cơ cấu “diaconia – phục vụ”, ở chỗ, mỗi một đan viện có một cơ cấu phụ trách tất cả những công việc cứu trợ, tức là phụ trách việc bác ái phục vụ. Cho tới thế kỷ thứ sáu thì cơ cấu này đã biến thành một tổ hợp có thế đứng đàng hoàng theo pháp lý, một thế đứng được chính các thẩm quyền dân sự ủy thác cho việc phân phát công cộng phần lúa gạo. Ở Ai Cập, chẳng những mỗi một đan viện mà cả từng Giáo Phận nữa từ từ đã có được những cơ cấu diaconia - phục vụ của mình; cơ cấu này bấy giờ được phát triển cả ở Đông Phương lẫn Tây Phương. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (khoảng năm 604) đã đề cập tới những cơ cấu diaconiaphục vụ ở Naples, trong khi ở Rôma cơ cấu diaconiaephục vụ được ghi nhận từ thế kỷ thứ bảy và thứ tám. Thế nhưng hoạt động bác ái vì người nghèo và người khổ đau vẫn là một yếu tố thiết yếu của Giáo Hội Rôma ngay từ đầu, căn cứ vào những nguyên tắc sống đời Kitô hữu được nêu lên trong Sách Tông Vụ. Hoạt động bác ái này được thể hiện sống động nơi trường hợp của phó tế Lawrence (năm 258). Thánh Ambrôsiô (năm 397) đã diễn tả một cách thương tâm về cuộc tử đạo của Thánh Lawrence, và câu truyện này cho thấy hình ảnh rất chân thực về vị thánh này. Là người phụ trách chăm sóc cho thành phần nghèo khổ ở Rôma, Thánh Lawrence đã được cho một thời gian, sau khi Đức Giáo Hoàng cùng với đồng bạn phó tế của ngài bị bắt, để thu tích các kho tàng của Giáo Hội để nộp chúng cho thẩm quyền dân sự. Ngài đã phân phát cho người nghèo bất cứ những gì ngân quĩ có được, rồi đưa đến cho quí vị thẩm quyền chính thành phần nghèo khổ được coi như là một kho tàng thực sự của Giáo Hội (Cf. Saint Ambrose, De officiis ministrorum, II, 28, 140: PL 16, 141). Bất cứ tính cách khả tín nào về lịch sử được người ta gán ghép cho những chi tiết được kể đến ấy, Thánh Lawrence bao giờ cũng hiện diện trong ký ức của Giáo Hội như là một đại biểu nhân cho đức bác ái của Giáo Hội.

 

24.       Trường hợp hoàng đế Julian Con Người Bội Giáo (năm 363) cũng có thể cho thấy việc Giáo Hội sơ khai đã coi việc thi hành đức ái một cách có tổ chức thiết yếu là chừng nào.  Là một đứa nhỏ 6 tuổi, Julian đã chứng kiến thấy cảnh những tay vệ binh ở cung điện hoàng đế đã ám sát cha mình, anh mình cùng với những phần tử khác trong gia đình; chẳng biết đúng hay sai, cậu đã qui trách hành động dã man tàn ác này cho Hoàng Đế Constantius, vị đã tỏ mình ra như là một Kitô hữu nổi bật. Bởi thế trước con mắt của cậu Đức Tin Kitô Giáo hoàn toàn là những gì bất khả tín. Khi trở thành hoàng đế, Julian đã quyết định phục hồi lối sống dân ngoại, một thứ tôn giáo cổ xưa của người Rôma, vì ông hy vọng hình thành nó để biến nó thành một thứ lực đẩy hỗ trợ cho đế quốc. Trong việc thực hiện dự án ấy, ông đã được Kitô Giáo khai sáng cho rất nhiều. Ông đã thiết lập phẩm trật tổng giám mục và linh mục là những vị cần phải bồi dưỡng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Ở một trong những bức thư của mình (Cf. Ep. 83: J. Bidez, L'Empereur Julien. OEuvres complètes, Paris 19602, v. I, 2a, p. 145), ông đã viết rằng khía cạnh duy nhất về Kitô Giáo đã làm ông tỏ ra cảm phục đó là hoạt động bác ái của Giáo Hội. Bởi thế ông đã coi hoạt động này là những gì thiết yếu cho tôn giáo ngoại đạo mới của ông, để rồi đi đôi với tổ chức bác ái của Giáo Hội đều có một hoạt động tương đương như thế. Theo ông, đó là lý do cho thấy tính cách được ưa chuộng của “những người Galilê”. Bởi vậy mà những người này cần phải được bắt chước và qua mặt. Làm như thế là vị Hoàng Đế này đã xác nhận rằng đức ái là tính chất quan trọng của cộng đồng Kitô Giáo, của Giáo Hội vậy.

 

25.       Đến đây chúng ta thấy có hai sự kiện chính yếu đã xuất phát từ việc suy niệm của chúng ta:

 

a)         Bản chất sâu xa nhất của Giáo Hội được thể hiện nơi trách nhiệm tam diện của Giáo Hội, đó là trách nhiệm loan truyền Lời Chúa (kerygma-martyria), trách nhiệm cử hành các bí tích (leitourgia), và trách nhiệm thi hành thừa tác vụ bác ái (diakonia). Những trách vụ này bao hàm lẫn nhau và bất khả tách biệt. Đối với Giáo Hội thì đức ái không phải là một thứ hoạt động an sinh xã hội cũng có thể để cho người khác làm, mà là những gì thuộc về bản chất của Giáo Hội, một biểu hiện bất khả thiếu nơi chính việc hiện hữu của Giáo Hội (Cf. Congregation for Bishops, Directory for the Pastoral Ministry of Bishops Apostolorum Successores [22 February 2004], 194, Vatican City 2004, p. 213).

 

b)         Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa trên thế gian. Trong gia đình này, không ai bị bỏ mặc trong cảnh thiếu hụt các nhu cầu sống cả. Tuy nhiên, đức ái/caritas – từ ái/agape vượt ra ngoài biên cương bờ cõi của Giáo Hội nữa. Dụ ngôn người Samaritanô Nhân Lành vẫn là tiêu chuẩn áp đặt tình yêu thương đại đồng đối với thành phần thiếu thốn chúng ta gặp gỡ “tình cờ” (x Lk 10:31), bất kể họ là ai chăng nữa. Không hề suy giảm giới huấn về tình yêu thương đại đồng này, Giáo Hội cũng có một trách nhiệm đặc biệt nữa, đó là, ở bên trong gia đình Giáo Hội, không một phần tử nào phải chịu đựng vì cảnh sống thiếu thốn. Giáo huấn của bức Thư gửi Tín Hữu Galata đã nhấn mạnh rằng: “Bởi thế, nếu chúng ta có cơ hội, chúng ta hãy làm lành cho tất cả mọi người, nhất là những ai thuộc về gia đình đức tin này” (6:10).

 

Công Bằng và Bác Ái

 

26.       Từ thế kỷ 19, hoạt động bác ái của Giáo Hội đã bị chống đối, sau đó việc chống đối này được đặc biệt khai triển mãnh liệt bởi chủ nghĩa Maxít, ở chỗ, như chủ nghĩa này cho rằng người nghèo không cần bác ái mà là công bằng. Những công việc của đức bác ái – làm phúc bố thí chẳng hạn – thực sự là một đường lối giành cho thành phần giầu có trong việc giúp họ khỏa lấp đi trách nhiệm họ cần phải hoạt động cho công bằng, và là phương thế xoa dịu lương tâm của họ, trong khi đó họ vẫn giữ được vị thế của họ và vẫn bóc lột người nghèo bằng quyền lợi của họ. Thay vì đóng góp bằng những việc bác ái cá nhân để bảo trì nguyên trạng của mình, chúng ta cần xây dựng một trật tự xã hội công bình, trong đó, tất cả mọi người được nhận lãnh phần sản vật của mình trên thế giới, không còn lệ thuộc vào đức bác ái nữa. Cần phải công nhận là lập luận này chất chứa một sự thật nào đó, thế nhưng nó cũng có nhiều lầm lẫn. Quả thực thì việc thực hiện đức công bằng cần phải là qui chuẩn nền tảng của Quốc Gia, và mục đích của một trật tự xã hội công bằng là để bảo đảm cho từng người, theo nguyên tắc phụ trợ, nhận được phần sản vật của cộng đồng. Giáo huấn Kitô Giáo về Quốc Gia và giáo huấn của Giáo Hội về xã hội đã luôn nhấn mạnh về vấn đề này. Về phương diện lịch sử, thì vấn đề xếp đặt một cách công bằng của việc tổng hợp này đã mặc một chiều kích mới mẻ cho tình trạng kỹ nghệ hóa của xã hội trong thế kỷ thứ 19. Việc xuất phát nền kỹ nghệ tân tiến đã khiến cho những cấu trúc về xã hội bị sụp đổ, trong lúc tình trạng gia tăng của một tầng lớp công nhân làm công lĩnh lương đã đưa đến những đổi thay sâu xa nơi cơ cấu xã hội. Mối liên hệ giữa tư bản và lao nhân bấy giờ trở thành vấn đề quyết liệt – một vấn đề chưa hề xẩy ra với hình thức như thế. Tư bản và phương tiện sản xuất lúc ấy trở thành một nguồn quyền lực mới, một thứ quyền lực được, tập trung vào trong tay một thiểu số, đã dẫn tới việc đàn áp quyền lợi của giới lao nhân, một quyền lực bị họ đã phải nổi lên chống lại.  

 

27.       Cần phải công nhận là vai trò lãnh đạo của Giáo Hội đã chậm chạp trong việc nhận thức rằng vấn đề của việc kiến tạo xã hội một cách công bằng là những gì cần phải được đương đầu một cách mới mẻ. Đã có một số vị đi mở đường, như Đức Giám Mục Ketteler ở Mainz (năm 1877), những nhu cầu cụ thể đã được đáp ứng bởi con số gia tăng các nhóm hội, các hiệp hội, các liên hội, các liên hiệp, nhất là bởi các dòng tu mới được thành lập trong thế kỷ 19 để chiến đấu với nghèo khổ, bệnh nạn và nhu cầu giáo dục tốt hơn. Vào năm 1891, huấn quyền của Đức Giáo Hoàng đã can thiệp bằng bức Thông Điệp “Tân Sự – Rerum Novarum” của Đức Lêô XIII. Thông điệp này được tiếp nối bởi Thông Điệp Quadragesimo Anno – 40 Năm vào năm 1931. Vào năm 1961, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã phổ biến bức Thông Điệp “Mẹ và Thày – Mater et Magistra”, trong khi đó Đức Phaolô VI, trong bức Thông Điệp Populorum Progressio – Tiến Bộ Các Dân Tộc (1967), cũng như trong Tông Thư Octogesima Adveniens – Kỷ Niệm 80 Năm (1971), đặc biệt nói đến vấn đề xã hội, một vấn đề lúc ấy đã đặc biệt trở nên kịch liệt ở Mỹ Châu Latinh. Vị đại tiền nhiệm của tôi đã để lại cho chúng ta bộ ba Thông Điệp về xã hội, đó là Laborem Exercens – Qua Việc Làm (1981), Sollicitudo Rei Socialis – Mối Quan Tâm về Xã Hội (1987), và sau cùng là Centesimus Annus – Bách Niên (1991). Đối diện chạm trán với những tình hình mới và vấn đề mới, giáo huấn về xã hội của Công Giáo nhờ đó dần dần phát triển, và giờ đây đã có được một cuốn Tổng Luận Về Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội, được Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh phát hành trong năm 2004. Chủ nghĩa Maxít đã thấy cuộc tiến hóa của thế giới cùng với những bước đầu của nó như là một thứ phương dược chữa trị vấn đề về xã hội: cuộc tiến hóa, và sau đó là việc tổng hợp hóa phương tiện sản xuất, như được cho là, làm thay đổi ngay những vấn đề trở thành khá hơn. Cái ảo ảnh này đã biến mất rồi. Trong tình hình phức tạp ngày nay, không phải vì tình trạng gia tăng của một nền kinh tế được toàn cầu hóa, giáo huấn về xã hội của Giáo Hội đã trở thành một bộ hướng dẫn căn bản cho thấy những đường lối hiệu lực thậm chí còn vượt ngoài cả giới hạn của Giáo Hội: trước tình trạng liên tục phát triển thì cần phải nói về những nguyên tắc này, trong mối tương quan tới việc đối thoại với tất cả những ai thiết tha quan tâm đến nhân loại và thế giới chúng ta đang sống.

 

28.       Để xác định rõ hơn nữa mối liên hệ giữa việc dấn thân cần thiết cho công bằng và thừa tác vụ bác ái, cần phải xét tới hai trường hợp cốt yếu sau đây:

 

a)         Trách nhiệm chính yếu của hoạt động chính trị đó là việc thực hiện cơ cấu chính đáng cho xã hội và Quốc Gia. Đã có lần Thánh Âu Quốc Tinh nói rằng Quốc Gia nào không được cai trị theo công lý thì chỉ là một mớ trộm cướp: “Remota itaque iustitia quid sunt regna nisi magna latrocinia?” (De Civitate Dei, IV, 4: CCL 47, 102). Đối với Kitô Giáo cái phân biệt chính yếu ở đây đó là những gì thuộc về Caesar và những gì thuộc về Thiên Chúa (x Mt 22:21), nói cách khác, đó là cái phân biệt giữa Giáo Hội và Quốc Gia, hay, như Công Đồng Chung Vaticanô II diễn tả, cái quyền biệt lập của lãnh vực trần thế (Cf. Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 36). Quốc Gia không được áp đặt tôn giáo, tuy nhiên, nó phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo và tình trạng hòa hợp giữa môn đồ thuộc các đạo khác. Về phần mình, Giáo Hội, khi bày tỏ đức Tin Kitô Giáo của mình về phương diện xã hội, được quyền độc lập một cách thích đáng, và được cấu trúc theo niềm tin của Giáo Hội là một cộng đồng cần phải được Quốc Gia công nhận. Hai lãnh vực hoàn toàn biệt phân song bao giờ cũng tương liên.

 

Công lý vừa là mục đích vừa là qui chuẩn nội tại của tất cả mọi hoạt động chính trị. Chính trị không phải chỉ là một cơ cấu thuần túy để ấn định các thứ luật lệ cho đời sống công cộng, vì nguồn gốc và đích điểm của nó được bắt nguồn từ công lý, một thứ công lý tự bản chất của nó liên quan tới đạo lý. Quốc Gia không thể nào không đối diện với vấn đề làm thế nào để đạt được công lý ngay lúc này đây. Thế nhưng, vấn đề này còn liên quan tới một vấn đề còn sâu xa hơn nữa, đó là vấn đề công lý là gì? Vấn đề này là một vấn đề của lý trí thực tiễn; thế nhưng nếu muốn lý trí tác hành một cách thích đáng thì nó cần phải trải qua một cuộc thanh tẩy liên lỉ, vì nó không bao giờ có thể hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ bị mù quáng về đạo lý gây ra bởi ảnh hưởng chói ngời của quyền lực và những lợi lộc đặc biệt.

 

Đó là chỗ chính trị và niềm tin gặp gỡ nhau. Bởi bản chất riêng biệt của mình, đức tin là việc gặp gỡ Vị Thiên Chúa hằng sống – một cuộc gặp gỡ hướng về những chân trời mới vượt ra ngoài lãnh giới của lý trí. Thế nhưng, nó cũng là một năng lực thanh tẩy cho chính lý trí nữa. Theo quan điểm của Thiên Chúa thì đức tin là những gì giải thoát lý trí khỏi những thứ đốm tối tăm mù quáng, nhờ đó giúp cho lý trí càng trở xứng đáng với chính mình hơn. Đức tin giúp cho lý trí có thể thực hiện công việc của mình một cách hiệu nghiệm hơn và thấy được đối tượng xứng hợp của nó một cách rõ ràng hơn. Đó là chỗ đứng của giáo huấn về xã hội của Công Giáo, vì giáo huấn này không có mục đích cống hiến cho Giáo Hội quyền hành trên Quốc Gia. Giáo huấn ấy lại càng không phải là một nỗ lực để áp đặt lên những ai không có cùng một niềm tin các cách thức suy nghĩ và những cung cách tác hành hợp với đức tin. Mục đích của nó chỉ là để giúp vào việc thanh tẩy lý trí cùng góp phần vào việc nhìn nhận và đạt tới những gì là chính đáng vào lúc này đây.

 

Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội lập luận dựa trên lý trí và lề luật tự nhiên, tức là căn cứ vào những gì hợp với bản tính của hết mọi người. Cần phải nhìn nhận rằng trách nhiệm của Giáo Hội không phải là làm cho giáo huấn ấy chiếm được ưu thế trong sinh hoạt chính trị. Trái lại, Giáo Hội muốn giúp vào việc hình thành lương tâm trong sinh hoạt chính trị, cũng như vào việc gia tăng ý thức khôn ngoan hơn nữa nơi những đòi hỏi đích thực của công lý và vào việc sẵn sàng hơn nữa để theo đó mà hoạt động, cho dù việc sẵn sàng đáp ứng ấy có xung khắc với những trường hợp liên quan tới lợi lộc cá nhân chăng nữa. Việc xây dựng một trật tự xã hội và dân sự công bằng, trong đó mỗi người nhận được những gì xứng hợp với mình, là một công việc thiết yếu mà hết mọi thế hệ cần phải tiếp tục một cách mới mẻ. Là một công việc về chính trị, công việc này không thể là trách nhiệm trực tiếp của Giáo Hội. Tuy nhiên, vì nó cũng là một trách nhiệm nhân bản quan trọng nhất mà Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm buộc phải cống hiến, qua việc thanh tẩy lý trí cũng như qua việc đào luyện lương tâm, việc đóng góp đặc biệt của mình vào vấn để ý thức những đòi hỏi của công lý và chiếm đạt những đòi hỏi này về phương diện chính trị.

 

Giáo Hội không thể nào và không được khoác vào mình trận chiến chính trị để thực hiện một xã hội chân chính bao nhiêu có thể. Giáo Hội không thể và không được chiếm chỗ của Quốc Gia. Tuy nhiên, đồng thời Giáo Hội cũng không thể và không được đứng ngoài cuộc trong trận chiến đấu cho công lý. Giáo Hội phải đóng góp phần của mình bằng giáo huấn hợp lý, và Giáo Hội cần phải tái khơi lên nghị lực thiêng liêng là những gì nếu bị thiếu hụt thì công lý là những gì bao giờ cũng đòi phải hy sinh không thể nào nắm phần ưu thế và phát triển được. Việc chính trị, chứ không phải Giáo Hội, cần phải chiếm đạt, đó là một xã hội chân chính. Tuy nhiên, việc cổ võ công lý bằng các nỗ lực mang lại việc tâm trí cởi mở trước những đòi hỏi của công ích là những gì hết sức liên quan tới Giáo Hội.

 

b)         Yêu thương, caritas – bác ái, bao giờ cũng cho thấy là cần thiết, cho dù trong một xã hội chính trực nhất. Không có một Quốc Gia nào có thể sắp xếp mọi sự một cách công bằng đến độ loại trừ đi được nhu cầu cần đến bất cứ một dịch vụ yêu thương. Luôn có những đau thương hằng kêu van muốn được ủi an và cứu giúp. Luôn có những cảnh đơn thân cô độc. Luôn xẩy ra những trường hợp cần đến vật chất không thể nào thiếu được việc trợ giúp cụ thể nào đó của tình yêu thương (Cf. Congregation for Bishops, Directory for the Pastoral Ministry of Bishops Apostolorum Successores (22 February 2004), 197, Vatican City 2004, p. 217). Quốc Gia là nơi cung cấp hết mọi sự, gánh vác tất cả mọi sự, cuối cùng sẽ trở thành một thứ quan liêu thuần túy không thể bảo đảm chính những gì thành phần khổ đau – hết mọi người – cần đến, tức là mối quan tâm yêu thương cá vị. Chúng ta không cần một Quốc Gia điều hành và kiểm soát hết mọi sự, mà là một Quốc Gia, theo nguyên tắc phụ trợ, rộng lượng nhìn nhận và nâng đỡ những sáng kiến bắt nguồn từ những lực lượng xã hội khác nhau, và nối kết tính cách tự phát với sự thân cận gần gũi những ai đang cần được giúp đỡ. Giáo Hội là một trong những lực lượng sống động này: Giáo Hội sống với một tình yêu thương được Thần Linh của Đức Kitô nung nấu. Tình yêu thương này không chỉ cống hiến cho dân chúng sự giúp đỡ về vật chất, mà còn bồi dưỡng và chăm sóc cho linh hồn của họ nữa, một điều gì đó thường thậm chí cần hơn là việc nâng đỡ về vật chất. Tóm lại, chủ trương rằng cấu trúc xã hội công bằng là những gì làm cho các hoạt động bác ái trở thành dư thừa là chủ trương che đậy thứ quan niệm của chủ nghĩa duy vật về con người, một thứ ý niệm sai lầm cho rằng con người có thể “sống nguyên bởi bánh” (Mt 4:4; x Deut 8:3) – một xác tín làm hạ giá con người và cuối cùng đi đến chỗ coi nhẹ tất cả những gì riêng biệt của con người.

 

29.       Giờ đây chúng ta minh định một cách xác đáng hơn, trong đời sống của Giáo Hội, mối liên hệ giữa việc dấn thân thực hiện cơ cấu chính đáng của Quốc Gia và xã hội, với hoạt động bác ái được tổ chức đàng hoàng. Chúng ta đã thấy được rằng việc hình thành những cấu trúc công bằng không phải là nhiệm vụ trực tiếp của Giáo Hội, mà thuộc về thế giới chính trị, lãnh vực tự động sử dụng lý trí. Giáo Hội có một nhiệm vụ gián tiếp ở chỗ này, ở chỗ Giáo Hội được kêu gọi để góp phần vào việc thanh tẩy lý trí cũng như vào việc tái khơi lên những năng lực luân lý bất khả thiếu đối với những cấu trúc công bằng cần được thiết lập hay muốn chứng tỏ tính cách hiệu năng về lâu về dài của nó.

 

Thành phần tín hữu giáo dân thích hợp với nhiệm vụ trực tiếp hoạt động cho một cơ cấu chính đáng của xã hội. Là thành phần công dân của Quốc Gia, họ được kêu gọi để tham phần vào đời sống công cộng theo khả năng riêng. Bởi vậy họ không thể chối bỏ việc tham dự của mình “vào nhiều lãnh vực khác nhau về kinh tế, xã hội, pháp lý, quản trị và văn hóa, những lãnh vực nhắm đến việc cổ võ công ích một cách có tổ chức và theo cơ cấu (John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Christifideles Laici [30 December 1988], 42: AAS 81 [1989], 472). Bởi thế, sứ vụ của người tín hữu là định hình sinh hoạt xã hội một cách đúng đắn, tôn trọng tính cách biệt lập hợp lý của nó và cộng tác với những người công dân khác theo khả năng tương xứng của mình và hoàn thành trách nhiệm của mình (Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Doctrinal Note on Some Questions Regarding the Participation of Catholics in Political Life [24 November 2002], 1: L'Osservatore Romano, English edition, 22 January 2003, p. 5). Thậm chí nếu những thể hiện đặc biệt nơi đức bác ái của Giáo Hội không bao giờ được lẫn lộn với hoạt động của Quốc Gia thì vẫn đúng là đức bác ái cần phải tác động toàn thể đời sống của người tín hữu giáo dân, bởi thế tác động cả hoạt động chính trị của họ, một hoạt động chính trị được áp dụng như “đức bác ái xã hội” (Catechism of the Catholic Church, 1939).

 

Các tổ chức bác ái của Giáo Hội, một đàng, là những gì làm nên một thứ opus proprium, một công việc hợp với Giáo Hội, trong đó, Giáo Hội không hợp tác một cách tổng quan mà là tác hành như một chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, làm những gì hợp với bản chất của Giáo Hội. Giáo Hội không bao giờ được châm chước việc thực hành bác ái như là một hoạt động có tổ chức của tín hữu, ngoài ra, sẽ không bao giờ xẩy ra trường hợp bất cần tới đức bác ái của từng cá nhân Kitô hữu, vì ngoài công lý ra con người cũng cần và sẽ luôn cần đến tình yêu thương.

 

Những cấu trúc đa dạng của việc bác ái trong môi trường xã hội ngày nay

 

30.       Trước khi cố gắng để xác định lịch sử riêng của các hoạt động Giáo Hội phục vụ con người, giờ đây tôi muốn nói tới tình trạng tổng quan về cuộc đấu tranh cho công lý và yêu thương trên thế giới ngày nay.

 

a)         Ngày nay, phương tiện truyền thông đại chúng đã làm cho trái đất của chúng ta trở nên nhỏ hẹp hơn, nhanh chóng thu ngắn khoảng cách giữa các dân tộc và văn hóa khác nhau. “Cái qui tụ” này có những lúc làm phát sinh ra những hiểu lầm và căng thẳng, tuy nhiên, khả năng của chúng ta trong việc biết được hầu như tức khắc về các nhu cầu của người khác là những gì thách đố chúng ta trong vấn đề cảm thông với trường hợp của họ và những khốn khó của họ. Bất kể những tiến bộ lớn lao của khoa học và kỹ thuật, mỗi ngày chúng ta đều thấy biết bao nhiêu là đau khổ trên thế giới này, gây ra bởi những loại nghèo khổ khác nhau, cả về vật chất lẫn tinh thần. Thời đại chúng ta đâu cần đến một thái độ sẵn sàng mới trong việc hỗ trợ tha nhân của chúng ta đang cần đến chúng ta. Công Đồng Chung Vaticanô II đã làm sáng tỏ hết sức rõ ràng vấn đề này như sau: “Giờ đây, nhờ phương tiện truyền thông khá hơn, các khoảng cách giữa các dân tộc hầu như bị loại trừ, hoạt động bác ái có thể và cần phải bao gồm tất cả mọi dân nước và mọi nhu cầu” (Decree on the Apostolate of the Laity Apostolicam Actuositatem, 8).

 

Đàng khác – và ở đây chúng ta thấy một trong những khía cạnh khó khăn nhưng tích cực của tiến trình toàn cầu hóa – hiện nay chúng ta có trong tầm tay nhiều phương tiện để thực hiện việc trợ giúp nhân đạo cho những người anh chị em đang cần đến chúng ta, ít là những hệ thống tân tiến trong việc phân phát thực phẩm và quần áo, cũng như việc cung cấp nhà ở và vấn đề chăm sóc. Việc quan tâm tới tha nhân của chúng ta là những gì vượt biên giới của các cộng đồng quốc gia và càng ngày càng mở rộng chân trời của nó trên toàn thế giới. Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhận định xác đáng rằng “trong số các dấu chỉ thời đại, một dấu chỉ đáng đặc biệt ghi nhận đó là cảm quan đang gia tăng không thể chối cãi về tình đoàn kết giữa tất cả mọi dân tộc (ibid. 14). Các cơ quan của Quốc Gia cũng như các hội đoàn nhân đạo hoạt động để cổ võ cảm quan đoàn kết này, các cơ quan Quốc Gia cổ võ chính yếu nơi tiền trợ cấp hay vấn đề giảm thuế má, còn các hội đoàn nhân đạo cổ võ qua việc làm thuận lợi hóa những phương tiện trợ giúp đáng kể. Tình đoàn kết được xã hội dân sự bày tỏ bởi thế hoàn toàn trổi vượt hơn tình đoàn kết được cá nhân thể hiện.

 

b)         Tình trạng này đã dẫn đến việc xuất hiện và phát triển nhiều hình thức hợp tác giữa các cơ quan của Quốc Gia và Giáo Hội, những hình thức hợp tác sinh hoa kết trái. Các cơ quan của Giáo Hội, với hoạt động thanh liêm của mình cũng như bằng việc Giáo Hội trung thành làm chứng cho tình yêu thương, đã có thể cống hiến một phẩm chất Kitô Giáo cho cả các cơ quan dân sự nữa, thuận lợi cho một cuộc điều hợp chung là những gì chỉ có thể mang lại thành đạt cho việc phục vụ bác ái (Cf. Congregation for Bishops, Directory for the Pastoral Ministry of Bishops Apostolorum Successores [22 February 2004], 195, Vatican City 2004, pp. 214-216). Nhiều tổ chức có mục đích bác ái hay nhân ái cũng được thiết lập, và những tổ chức này quyết tâm chiếm đạt những giải pháp nhân đạo xứng hợp với các vấn đề xã hội và chính trị ngày nay. Đáng kể là thời đại chúng ta còn chứng kiến thấy việc phát triển và phổ biến các loại công việc tự nguyện khác nhau, những thứ việc tự nguyện có trách nhiệm cung cấp những dịch vụ khác nhau (Cf. John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Christifideles Laici [30 December 1988], 41: AAS 81 [1989], 470-472). Ở đây tôi muốn ngỏ lời đặc biệt tri ân và cảm tạ tất cả những ai đang dự phần vào các hoạt động này bằng bất cứ cách nào. Đối với giới trẻ thì việc dấn thân bao rộng này trở thành một học đường của cuộc sống, cống hiến cho chúng một thứ huấn luyện về tình đoàn kết cũng như về việc sẵn sàng cống hiến cho kẻ khác chẳng những việc cứu trợ về vật chất mà còn chính bản thân chúng. Cái phản văn hóa chết chóc, thứ phản văn hóa chết chóc được thể hiện, chẳng hạn nơi việc nghiện thuốc phiện, như thế bị ngăn chặn bởi một thứ tình yêu thương vô vị kỷ, một tình yêu thương cho thấy mình là một thứ văn hóa sự sống bằng thái độ hết sức sẵn sàng “mất bản thân mình” (x Lk 17:33 et passim) cho kẻ khác.

 

Trong Giáo Hội Công Giáo, cũng như trong các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội khác, xuất phát những hình thức mới của hoạt động bác ái, trong khi những hoạt động bác ái khác, những hoạt động cũ đã mặc một sự sống và sinh lực mới. Nơi những hình thức mới mẻ ấy, thường có thể thiết lập một mối liên hệ hiệu nghiệm giữa việc truyền bá phúc âm hóa với những hoạt động bác ái. Ở đây, tôi muốn minh nhiên tái khẳng định những gì được vị đại tiền nhiệm Gioan Phaolô II của tôi viết trong Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis của ngài (Cf. No. 32: AAS 80 [1988], 556), khi ngài thẩm định thái độ sẵn sàng của Giáo Hội Công Giáo trong việc hợp tác với các cơ quan bác ái của những Giáo Hội và Cộng Đồng này, vì tất cả chúng ta đều có cùng một động lực chính yếu và cùng hướng tới một đích điểm, đó là một chiều hướng nhân bản đích thực nhìn nhận rằng con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và muốn giúp họ sống một cách xứng đáng với phẩm vị ấy. Thông Điệp Ut Unum Sint của ngài nhấn mạnh rằng việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn đòi Kitô hữu phải hợp tiếng nói trong việc ghi khắc “lòng tôn trọng quyền lợi và nhu cầu của hết mọi người, nhất là người nghèo, người thấp hèn và người bất khả tự vệ” (No. 43: AAS 87 [1995], 946). Ở đây tôi muốn bày tỏ về sự mãn nguyện của tôi khi thấy lời kêu gọi này đã được đáp ứng rộng rãi nơi nhiều hoạt động khắp thế giới.   

 

Tính cách chuyên biệt nơi hoạt động bác ái của Giáo Hội

 

31.       Tình trạng gia tăng nơi các tổ chức khác nhau dấn thân đáp ứng những nhu cầu khác nhau của con người, nói cho cùng, là ở sự kiện giới lệnh yêu thương tha nhân đã được Đấng Hóa Công ghi khắc vào chính bản tính của con người. Nó cũng là thành quả của việc Kitô Giáo hiện diện trên thế giới, vì Kitô Giáo liên lỉ làm sống lại và áp dụng giới lệnh này, một giới lệnh thường bị lu mờ đi một cách thê thảm theo giòng thời gian. Việc phục hồi lối sống dân ngoại được hoàng đế Julian Con Người Bội Giáo đã nỗ lực thực hiện chỉ là một thí dụ tiên vàn của ảnh hưởng lu mờ này; ở đây chúng ta thấy cái mãnh liệt của Kitô Giáo đã vượt hẳn ra ngoài biên cương của đức tin Kitô Giáo. Đó là lý do hoạt động bác ái của Giáo Hội rất cần phải bảo tồn được tất cả ánh quang rạng ngời của mình, và không trở thành một hình thức thuần túy khác của việc trợ giúp về xã hội. Vậy đâu là những yếu tố thiết yếu nơi đức bác ái của Kitô Giáo và của Giáo Hội?

 

a)         Theo gương mẫu được nêu lên trong dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Lành thì đức bác ái Kitô Giáo trước hết chỉ là đáp ứng các nhu cầu cấp thiết và những trường hợp đặc biệt, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ trần trụi áo mặc, chăm sóc và chữa trị kẻ yếu đau, viếng thăm những kẻ bị tù đày v.v. Những tổ chức bác ái của Giáo Hội, bắt đầu là những tổ chức CaritasBác Ái (ở cấp giáo phận, quốc gia và quốc tế), cần phải làm mọi sự có thể để cung cấp các phương tiện, nhất là nhân viên cần thiết cho công việc này. Những người chăm sóc cho những ai đang cần được giúp đỡ, trước hết, cần phải có trình độ chuyên môn: họ cần phải được huấn luyện đầy đủ cho những gì phải làm cũng như cho cách thức phải làm, và dấn thân cho việc liên tục chăm sóc. Tuy nhiên, cho dù khả năng chuyên môn là những gì cốt yếu, là những gì đòi hỏi quan trọng, tự nó vẫn chưa đủ. Chúng ta đang đối xử với con người, và con người bao giờ cũng cần một điều gì đó khác với việc chăm sóc thích đáng về kỹ thuật. Họ cần nhân cách. Họ cần đến mối quan tâm chân tình. Những ai làm việc cho các cơ quan bác ái của Giáo Hội cần phải nổi bật ở chỗ họ không chỉ đáp ứng nhu cầu tùy lúc, mà còn thật tình quan tâm dấn thân cho người khác, khiến người khác có thể cảm thấy được cái phong phú nơi nhân cách của họ. Tóm lại, ngoài việc được huấn luyện cần thiết về chuyên môn, những nhân viên bác ái này cần một “cuộc huấn luyện cõi lòng”: họ cần được dẫn tới chỗ gặp gỡ Thiên Chúa nơi Đức Kitô, một cuộc gặp gỡ làm bừng lên tình yêu thương của họ và hướng tinh thần của họ về người khác. Nhờ đó, tình yêu thương tha nhân, đối với họ, sẽ không còn là một giới lệnh có thể nói là áp đặt từ bên ngoài, mà là kết quả xuất phát từ đức tin của họ, một đức tin trở thành sinh động nhờ tình yêu thương (x Gal 5:6).

 

b)         Hoạt động bác ái Kitô Giáo cần phải hoàn toàn biệt lập khỏi những đảng phái và các thứ ý hệ. Nó không phải là phương tiện làm đổi thay thế giới theo ý hệ, và nó không phải để phục vụ những mưu đồ trần thế, mà là đường lối làm hiện thực vào lúc này đây thứ tình yêu con người bao giờ cũng cần đến. Thời đại tân tiến, nhất là từ thế kỷ 19 trở đi, đã bị chi phối bởi những chiều hướng khác nhau của một thứ triết lý về tiến bộ, có hình thức cực đoan nhất là chủ nghĩa Maxít. Yếu tố của sách lược Maxít đó là thuyết bần cùng hóa: thuyết này chủ trương rằng trong trường hợp xẩy ra quyền lực bất chính thì bất cứ ai dính dáng tới những hoạt động bác ái đều thực sự phục vụ thể chết bất chính đó, làm cho thể chế này ít là có vẻ khả chấp ở một mức độ nào đó. Điều này bởi thế làm trì trệ cuộc cách mạng khả dĩ và do đó ngăn cản cuộc đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn. Theo chiều hướng ấy, bác ái là những gì bị loại trừ và bị tấn công như là một phương tiện để bảo tồn cái nguyên trạng mà thôi. Tuy nhiên, những gì chúng ta đang nói đến đây thực sự là một thứ triết lý phi nhân. Con người của lúc này đây trở thành vật tế thần tương lai – một tương lai với cuộc hiện thực hiệu nghiệm hết sức mập mờ. Người ta không làm cho thế giới này trở thành nhân bản hơn khi không chịu tác hành một cách nhân bản vào lúc này đây. Chúng ta góp phần cho một thế giới tốt đẹp hơn chỉ khi nào mỗi người chúng ta giờ đây biết hành thiện, bằng việc hoàn toàn dấn thân và khi nào có cơ hội, hoàn toàn không dính dáng gì tới những sách lược và chương trình của đảng phái. Chương trình của Kitô Giáo – một chương trình của Người Samaritanô Nhân Lành, một chương trình của Chúa Giêsu – là “một tấm lòng thông cảm”. Tấm lòng này thấy được nơi đâu cần yêu thương để tác hành theo như thế. Hiển nhiên là khi hoạt động bác ái được Giáo Hội thi hành như là một hoạt động hiệp thông, thì tính cách tự phát của cá nhân cần phải làm sao hòa hợp với việc hoạch định, việc nhìn xa trông rộng và việc hợp tác với các tổ chức tương tự khác.

 

c)         Hơn nữa, không thể sử dụng đức bác ái như một phương tiện dính dáng tới những gì ngày nay bị coi là việc dụ giáo. Tình yêu là những gì tự do thanh thoát; nó không được thực hiện như đường lối để chiếm đạt mục đích (Cf. Congregation for Bishops, Directory for the Pastoral Ministry of Bishops Apostolorum Successores [22 February 2004], 196, Vatican City 2004, p. 216). Thế nhưng, điều này không có nghĩa là hoạt động bác ái, một cách nào đó, cần phải gạt Thiên Chúa và Đức Kitô ra ngoài. Vì nó bao giờ cũng liên quan tới toàn thể con người. Nguyên nhân sâu xa nhất của khổ đau thường chính là vì vắng bóng Thiên Chúa. Những ai thi hành đức bác ái nhân danh Giáo Hội sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt đức tin của Giáo Hội lên người khác. Họ nhận thức rằng tình yêu tinh tuyền và quảng đại là chứng từ tuyệt hạng về Thiên Chúa là Đấng chúng ta tin tưởng và là Đấng thúc đẩy chúng ta yêu thương. Một Kitô hữu biết khi nào là lúc nói về Thiên Chúa và khi nào tốt hơn để không nói năng gì, mà chỉ để cho một mình tình yêu lên tiếng. Họ biết rằng Thiên Chúa là tình yêu (x 1Jn 4:8) và việc Thiên Chúa hiện diện được cảm nghiệm thấy khi nào điều duy nhất chúng ta làm là yêu thương. Họ biết rằng – trở lại với vấn nạn được nêu lên trước đây – khinh khi tình yêu là khinh khi Thiên Chúa cũng như khinh khi con người; nó là một nỗ lực hành động không cần có Thiên Chúa. Bởi thế mà việc bênh vực Thiên Chúa và con người hay nhất chính là ở tình yêu thương. Trách nhiệm của các tổ chức bác ái Giáo Hội đó là củng cố việc nhận thức này nơi các phần tử của mình, nhờ đó, qua hoạt động của họ – cũng như qua ngôn từ của họ, sự lặng thinh của họ, gương sáng của họ – họ trở thành những chứng nhân khả tín cho Chúa Kitô.

 

Những người có trách nhiệm về hoạt động bác ái của Giáo Hội

 

32.       Sau hết, chúng ta cần phải chú trọng một lần nữa tới những ai có trách nhiệm thi hành hoạt động bác ái của Giáo Hội. Như đã sáng tỏ trong những suy tư trên đây của chúng ta, chủ thể thực sự của các tổ chức khác nhau của Công Giáo thi hành thừa tác vụ bác ái là chính Giáo Hội – ở mọi tầm cấp, từ giáo xứ, qua các Giáo Hội riêng, đến Giáo Hội hoàn vũ. Đó là lý do thật là thích đáng cho việc vị thiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Phaolô VI đã thiết lập Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm Cor Unum như là một cơ quan của Tòa Thánh đặc trách việc chỉ dẫn và điều hợp các tổ chức và hoạt động bác ái do Giáo Hội Công Giáo phát động. Hợp với cấu trúc của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội, các vị Giám Mục, thành phần thừa kế Chư Vị Tông Đồ, có trách nhiệm chính yếu trong việc thi hành ở Giáo Hội riêng chương trình được đề ra trong Sách Tông Vụ (x 2:42-44): ngày nay cũng như trong quá khứ, Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa cần phải là nơi ban phát và lãnh nhận sự trợ giúp, đồng thời cũng là nơi con người được sửa soạn để phục vụ những ai ở ngoài giới tuyến của Giáo Hội cần giúp đỡ. Trong nghi thức tấn phong giám mục, trước việc thánh hiến, ứng viên thụ phong cần phải trả lời một số câu hỏi nói lên những yếu tố thiết yếu nơi sứ vụ của ngài, và nhắc lại những nhiệm vụ nơi thừa tác vụ sau đó của các vị. Ngài minh nhiên nhân danh Chúa hứa tiếp nhận và thương cảm thành phần nghèo khổ cũng như tất cả những ai cần được ủi an và trợ giúp (Cf. Pontificale Romanum, De ordinatione episcopi, 43). Bộ Giáo Luật, ở những khoản về thừa tác vụ Giám Mục, không đề cập một cách tỏ tường đức bác ái là yếu tố đặc biệt của hoạt động giáo phẩm, nhưng nói một cách tổng quan về trách nhiệm của Giám Mục trong việc điều hợp các công việc tông đồ khác nhau vì tính chất thích đáng của các vị (Cf. can. 394; Code of Canons of the Eastern Churches, can. 203). Tuy nhiên, mới đây, Bản Hướng Dẫn Thừa Tác Vụ Mục Vụ của Các Vị Giám Mục đã đào sâu đặc biệt hơn nữa nhiệm vụ bác ái như trách nhiệm thuộc về toàn thể Giáo Hội cũng như mỗi vị Giám Mục ở Giáo Phận của ngài (Cf. Nos. 193-198: pp. 212-219), và bản hướng dẫn này nhấn mạnh rằng vì việc thực thi bác ái là một hành động của Giáo Hội như thế mà, như thừa tác vụ Lời Chúa và Bí Tích, nó cũng trở thành một yếu tố chính yếu nơi sứ mạng của Giáo Hội ngay từ ban đầu (Ibid., 194: pp. 213-214).

 

33.       Về vấn đề nhân sự thực thi hoạt động bác ái của Giáo Hội về phương diện thực tiễn, những gì thiết yếu đã được nói đến rồi, đó là họ cần phải được tác động bởi những ý hệ nhắm đến việc cải tiến thế giới, thế nhưng họ còn phải được hướng dẫn bởi đức tin hoạt động qua đức ái nữa (x Gal 5:6). Tức là, hơn bất cứ những gì khác, họ cần phải là được tình yêu Chúa Kitô thôi thúc, những con người được Chúa Kitô chiếm đoạt tâm can, làm bừng lên trong họ tình yêu thương tha nhân. Tiêu chuẩn phấn khích hoạt động của họ chính là câu Thánh Phaolô viết trong Thư Thứ Hai gửi Giáo Đoàn Côrintô: “Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc tôi” (5:14). Cái ý thức là trong Chúa Kitô Thiên Chúa đã ban chính mình cho chúng ta thậm chí cho đến chết phải là những gì thúc đẩy chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà là cho Người, và cùng với Người cho tha nhân. Ai mến yêu Chúa Kitô là mến yêu Giáo Hội, và muốn Giáo Hội càng ngày càng trở thành hình ảnh và là dụng cụ của tình yêu xuất phát từ Chúa Kitô ấy. Nhân viên của hết mọi tổ chức bác ái Công Giáo phải làm việc với Giáo Hội, và bởi đó với vị Giám Mục, để tình yêu Thiên Chúa có thể tràn lan khắp thế giới. Bởi việc họ thông phần vào tình yêu thương cụ thể này của Giáo Hội, họ muốn trở nên chứng nhân cho Thiên Chúa và Đức Kitô, và chính vì thế họ muốn tự do làm lành cho tất cả mọi người.

 

34.       Tính cách cở mở nội tâm theo chiều kích Công Giáo của Giáo Hội không thể nào không sắp xếp những nhân viên bác ái hoạt động liên hợp với các tổ chức khác để phục vụ những hình thức nhu cầu khác nhau, thế nhưng vẫn tôn trọng những gì là chuyên biệt về việc phục vụ theo đòi hỏi như Chúa Kitô muốn nơi thành phần môn đệ của Người. Thánh Phaolô, trong bài thánh ca về đức bác ái (x 1Cor 13), đã dạy chúng ta rằng bác ái bao giờ cũng không phải chỉ ở tại vấn đề hoạt động: “Nếu tôi ban phát hết những gì tôi có, và nếu tôi có liều mạng cho lửa thiêu, mà không có yêu thương thì tôi chẳng có lợi lộc gì” (câu 3). Bài thánh ca này cần phải trở thành Bản Đại Hiến Chương cho tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội; nó gồm tóm tất cả mọi suy tư về tình yêu thương được tôi cống hiến trong cả bức Thông Điệp này. Hoạt động thực tiễn sẽ mãi thiếu sót, trừ phi nó thể hiện rõ ràng tình yêu thương con người, một tình yêu được nuôi dưỡng bằng cuộc hội ngộ với Chúa Kitô. Việc cá nhân tôi hết sức muốn thông dự vào nhu cầu và khổ đau của người khác trở thành việc chia sẻ chính bản thân tôi với họ: nếu việc tôi trao tặng họ không xuất phát từ việc khinh thị coi thường họ thì tôi cần phải trao tặng họ chẳng những một cái gì đó là bản thân tôi mà là chính bản thân mình; bản thân tôi cần phải trở thành món quà tôi trao tặng. 

 

35.       Cách thức thích đáng trong việc phục vụ người khác này cũng dẫn tới đức khiêm nhượng nữa. Con người phục vụ không coi mình ngon hơn người được phục vụ, cho dù trường hợp của họ vào lúc ấy có khốn nạn đến  mấy đi nữa. Chúa Kitô đã chiếm chỗ thấp hèn nhất trên thế gian này, đó là Thập Giá, và bằng việc sâu xa hạ mình này, Người đã cứu chuộc chúng ta và liên lỉ cứu giúp chúng ta. Những ai đóng vai trò trợ giúp người khác sẽ nhận thấy rằng khi làm như thế là chính họ được trợ giúp; việc có thể giúp đỡ không phải là do công lênh hay sự nghiệp của bản thân họ. Nhiệm vụ này là một ân sủng. Chúng ta càng giúp đỡ người khác, chúng ta càng hiểu và càng cảm nhận được những lời của Chúa Kitô: “Chúng tôi là đầy tớ vô ích” (Lk 17:10). Chúng ta công nhận rằng chúng ta không tác hành vì chúng ta có gì trổi vượt hay có gì hiệu năng nơi bản thân mình hơn người khác, mà vì Chúa đã ban ơn cho chúng ta để chúng ta có thể làm như vậy. Có những lúc gánh nặng nhu cầu và những giới hạn của bản thân chúng ta khiến chúng ta cảm thấy như muốn buông xuôi. Thế nhưng, chính lúc ấy chúng ta được trợ giúp bởi nhận thức rằng, cuối cùng, chúng ta chỉ là dụng cụ trong bàn tay Chúa; và nhận thức này cứu chúng ta khỏi giả tưởng rằng chỉ có chúng ta mới là cá nhân nhúng tay vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Bằng tất cả tấm lòng khiêm hạ, chúng ta sẽ làm những gì chúng ta có thể, và với tất cả tấm lòng khiêm cung, chúng ta sẽ phó thác những gì còn lại cho Chúa. Chính Thiên Chúa, Đấng cai quản thế giới này chứ không phải là chúng ta. Chúng ta hiến dâng cho Ngài việc việc phục vụ trong tầm tay của chúng ta, và bao lâu Ngài ban sức cho chúng ta. Tuy nhiên, làm tất cả những gì chúng ta có thể theo năng sức của mình là công việc giữ cho người tôi tớ tốt lành của Chúa Giêsu Kitô luôn sinh động: “Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc tôi” (2 Cor 5:14).

 

36.       Ngược lại, khi chúng ta thấy muôn vàn nhu cầu của người khác, chúng ta có thể ngả về một thứ ý hệ nhắm đến chỗ thực hiện những gì mà việc Thiên Chúa cai quản thế giới hiển nhiên không thể thực hiện, tức đến chỗ chúng ta có thể hoàn toàn giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Hoặc chúng ta có thể bị cám dỗ khựng lại, vì dường như sẽ chẳng thể nào thành đạt được. Vào những lúc như thế, mối liên hệ sống động với Chúa Kitô là những gì quyết liệt, nếu chúng ta muốn tiến bước trên đường ngay nẻo chính, một là không rơi vào trạng thái ngạo mạn coi thường con người, một thái độ chẳng những thiếu xây dựng mà thực sự còn hủy hoại nữa, hai là không chịu thoái lui là thái độ cản bước chúng ta phục vụ người khác theo chiều hướng của yêu thương. Việc cầu nguyện, một phương tiện kín múc sinh lực tươi mới từ Chúa Kitô, là những gì cần thiết cụ thể và khẩn trương. Con người nguyện cầu không uổng phí thời giờ của họ, cho dù tình trạng có vẻ tuyệt vọng và dường như chỉ cần hoạt động mà thôi. Lòng đạo đức không phải là những gì làm suy yếu đi cuộc chiến đấu chống lại tình trạng nghèo khổ nơi tha nhân của chúng ta, dù có cùng cực mấy đi nữa. Nơi gương của Chân Phước Têrêsa Calcutta, chúng ta đã có một chứng cớ về sự kiện là thời giờ giành cho Thiên Chúa để nguyện cầu chẳng những không chi phối việc phục vụ hiệu năng và yêu thương của chúng ta đối với tha nhân mà thật sự là một mạch nguồn vô tận của việc phục vụ này. Trong bức thư của mình cho Mùa Chay 1996, Chân Phước Têrêsa đã viết cho những cộng sự viên của mình rằng: “Chúng ta cần sâu xa giao tiếp với Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Làm thế nào để chúng ta đạt được điều ấy? Bằng việc nguyện cầu”.

 

37.       Đã tới lúc cần phải tái khẳng định tầm quan trọng của việc nguyện cầu trước khuynh hướng duy động và chiều hướng trần tục hóa đang gia tăng nơi nhiều Kitô hữu dấn thân hoạt động bác ái. Tất nhiên Kitô hữu nguyện cầu không chủ trương là mình có thể đổi thay những gì Thiên Chúa đã dự định hay điều chỉnh những gì Ngài đã thấy trước. Trái lại, họ tìm cách gặp gỡ Người Cha của Đức Giêsu Kitô, xin Thiên Chúa hiện diện bằng Thần Ủi An nơi họ và hoạt động của họ. Mối liên hệ tư riêng với Thiên Chúa và việc phó mặc theo ý muốn của Ngài là những gì có thể giữ con người khỏi trở thành bi quan yếm thế và cứu họ khỏi rơi vào cạm bẫy của thứ giáo huấn cuồng tín và khủng bố. Thái độ tôn giáo chân chính là những gì giúp họ tránh khỏi việc cho mình có quyền phán xét Thiên Chúa, buộc tội Ngài đã để xẩy ra cảnh nghèo khổ và không biết xót thương tạo vật của Ngài. Khi người ta chủ trương muốn bênh vực con người thì họ cần phải tạo nên cơ hội chống lại Thiên Chúa là Đấng phải chăng họ có thể cậy nhờ khi hoạt động của con người tỏ ra bất lực?

 

38.       Chắc chắn ông Gióp có thể phàn nàn trước nhan Thiên Chúa về sự hiện diện của khổ đau khôn thấu và hiển nhiên bất công trên thế gian này. Trong nỗi đớn đau của mình, ông đã kêu lên rằng: “Ôi, tôi đã biết tôi có thể tìm Ngài đâu rồi, tôi thậm chí đến với ngự tòa của Ngài!... Tôi có thể biết được những gì Ngài sẽ trả lời cho tôi, và hiểu được những gì Ngài sẽ nói với tôi. Ngài có hài lòng với tôi ở nơi sự cao cả quyền năng của Ngài hay chăng?... Thế nên tôi cảm thấy kinh hãi trước nhan Ngài; khi tôi suy tưởng, tôi cảm thấy kinh sợ Ngài. Thiên Chúa đã khiến tâm can tôi yếu nhược; Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi kinh hãi” (23:3,5-6,15-16). Thường chúng ta không thể nào hiểu được lý do tại sao Thiên Chúa không chịu ra tay can thiệp. Tuy nhiên, Ngài không tránh được việc chúng ta kêu lên, như Chúa Giêsu trện Thập Giá: “Lạy Chúa Trời tôi, lạy Chúa Trời tôi, tại sao Ngài lại bỏ rơi tôi?” (Mt 27:46). Chúng ta cần phải tiếp tục đặt vấn nạn này ra trước nhan Ngài trong cuộc đối thoại nguyện cầu: “Lạy Chúa là Đấng thánh hảo và chân thật, nó sẽ còn kéo dài tới bao lâu nữa đây?” (Rev 6:10). Chính Thánh Âu Quốc Tinh, vị cống hiến cho chúng ta câu trả lời theo đức tin trước những khổ đau của chúng ta: “Si comprehendis, non est Deus – nếu anh chị em hiểu được Ngài thì Ngài không phải là Thiên Chúa” (Sermo 52, 16: PL 38, 360). Việc chúng ta chống đối không có nghĩa là thách đố Thiên Chúa, hay cho rằng Ngài lầm lỗi, yếu kém hay vô tình. Đối với tín hữu, không thể nào có chuyện Thiên Chúa lại bất lực hay “có lẽ Ngài đương ngủ” (x 1Kg 18:27). Trái lại, việc chúng ta kêu lên, như trường hợp Chúa Giêsu trên Thập Giá, là cách thức sâu xa nhất và thực sự nhất để củng cố niềm tin của chúng ta nơi quyền năng tối thượng của Ngài. Thậm chí ngay cả trong tình trạng hoang mang bối rối và thua bại của mình trong việc hiểu được thế giới chung quanh họ, Kitô hữu vẫn tiếp tục tin tưởng vào “sự thiện hảo và lòng từ ái của Thiên Chúa” (Tit 3:4). Bị chìm ngập như mọi người khác trong những biến cố lịch sử đầy thảm thương rối loạn, họ vẫn kiên cường tin rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta và yêu thương chúng ta, ngay cả lúc Ngài cứ im lìm không thể nào hiểu nổi.

 

39.       Đức tin, đức cậy và đức mến là các nhân đức đi với nhau. Đức cậy được thực thi nhờ nhân đức nhẫn nại, một nhân đức tiếp tục làm lành ngay cả trong trường hợp thất bại trông thấy, cũng như nhờ đức khiêm nhượng, một nhân đức chấp nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài ngay cả trong những lúc tối tăm. Đức tin nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã ban Con của Ngài cho chúng ta và ban cho chúng ta niềm tin tưởng rạng ngời là quả thực Thiên Chúa là tình yêu! Nhờ đó đức tin biến đổi nỗi bất nhẫn của chúng ta và những mối ngờ vực của chúng ta thành niềm hy vọng là Thiên Chúa cầm nắm thế giới trong tay của Ngài, và như hình ảnh sâu sắc cuối Sách Khải Huyền cho thấy, bất chấp tất cả mọi tối tăm, Ngài cuối cùng chiến thắng trong vinh quang. Đức tin, một đức tin thấy được tình yêu của Thiên Chúa tỏ hiện nơi con tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên Thập Giá, mở đường cho yêu thương. Tình yêu là thứ ánh sáng – và cuối cùng là ánh sáng duy nhất – có thể luôn luôn soi chiếu một thế giới đã trở nên mờ mịt, và ban cho chúng ta lòng can đảm cần thiết để sống động và hoạt động. Tình yêu là những gì khả dĩ, và chúng ta có thể thực hành yêu thương vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hãy cảm nghiệm yêu thương và nhờ đó làm cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi vào thế giới – đó là lời tôi mời gọi qua bức Thông Điệp đây.

 

 

KẾT LUẬN

 

 

40.       Sau hết, chúng ta hãy nhìn đến các vị thánh, những vị đã thực hành đức bác ái một cách gương mẫu. Chúng ta đặc biệt nghĩ tới Thánh Martin thành Tours (năm 397), một quân nhân đã trở thành một đan sĩ và giám mục: ngài hầu như là một thần tượng, làm sáng tỏ cái giá trị bất khả thay thế của chứng từ bác ái của cá nhân con người. Ở cổng thành Amiens, Thánh Martin đã tặng một na chiếc áo khoác của mình cho một người nghèo: Chính Chúa Giêsu, vào đêm hôm ấy, đã hiện ra với ngài trong giấc mơ với chiếc áo khoác đó, để xác định tính cách chính thực của câu Phúc Âm: “Ta trần trụi được các người khoác mặc cho… khi các người làm điều ấy cho một trong những người an hem hèn mọn nhất của Ta là các người làm cho chính Ta” (Mt 25:36,40) (Cf. Sulpicius Severus, Vita Sancti Martini, 3, 1-3: SCh 133, 256-258). Tuy nhiên, trong lịch sử Giáo Hội, còn biết bao nhiêu là chứng từ bác ái đáng được trích dẫn! Đặc biệt là toàn thể phong trào đan viện tu, từ khi được bắt đầu với Thánh Antôn Đan Viện Phụ (năm 356), đã cho thấy được việc phục vụ bác ái rộng lớn đối với tha nhân. Qua cuộc hội ngộ “diện đối diện” với vị Thiên Chúa là Tình Yêu, người đan sĩ cảm thấy nhu cầu thúc bách trong việc biến đổi tất cả đời sống của mình thành việc phục vụ tha nhân, cùng với việc phụng sự Thiên Chúa. Điều này cho thấy việc hết sức chú trọng tới vấn đề tiếp đón đãi ngộ, vấn đề nương trú tị nạn và vấn đề chăm sóc cho thành phần bệnh nạn ở vùng lận cận của các đan viện. Điều ấy cũng cho thấy được những khởi xướng bao rộng về vấn đề phúc hạnh của con người cũng như về vấn đề cơ cấu Kitô Giáo, nhắm trước hết tới những con người rất nghèo, thành phần trở thành đối tượng chăm sóc đầu tiên của các dòng đan tu và khất thực, rồi sau đó của các tổ chức tu trì nam nữ khác suốt giòng lịch sử Giáo Hội. Hình ảnh của những thánh nhân chỉ cần liệt kê một ít như Phanxicô Assisi, I Nhã Loyola, Gioan Thiên Chúa, Camillus đệ Lellis, Vinh Sơn đệ Phaolô, Louise de Marillac, Giuseppe B. Cottolengo, Gioan Bosco, Luigi Orione, Têrêsa Calcutta, là những hình ảnh nổi bật như những mẫu gương lâu dài về việc phục vụ bác ái đối với tất cả mọi con người thành tâm thiện chí. Các thánh nhân là những người thực sự mang ánh sáng trong lịch sử, vì các vị là con người nam nữ sống đức tin, đức cậy và đức mến.

 

41.       Nổi nang nhất trong các thánh là Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Kitô và là gương mẫu của tất cả mọi thánh đức. Trong Phúc Âm Thánh Luca, chúng ta thấy Mẹ dấn thân phục vụ bác ái cho chị họ Isave của Mẹ, người Mẹ đã ở cùng “khoảng chừng 3 tháng” (1:56), để trợ giúp bà trong giai đoạn thai nghén cuối cùng. “Magnificat anima mea Dominum”, Mẹ đã xướng lên vào dịp viếng thăm này, “linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (1:46). Qua những lời này, Mẹ đã bày tỏ tất cả chương trình sống của Mẹ, ở chỗ, Mẹ không tự đặt mình vào tâm điểm, mà giành chỗ cho Thiên Chúa, Đấng được gặp gỡ nơi cả việc nguyện cầu và phục vụ tha nhân – và chỉ cho tới lúc ấy sự thiện hảo mới đi vào trần thế. Sự cao cả của Mẹ Maria là ở sự kiện Mẹ muốn tôn tụng Thiên Chúa chứ không phải chính bản thân Mẹ. Mẹ là con người thấp hèn: ước vọng duy nhất của Mẹ đó là được làm nữ tỳ của Chúa (x Lk 1:38,48). Mẹ biết rằng Mẹ sẽ chỉ góp phần vào việc cứu độ thế giới, ở chỗ, thay vì thi hành những dự án riêng của Mẹ, Mẹ hoàn toàn phó mình cho các khởi động của Thiên Chúa. Mẹ Maria là một người nữ của niềm hy vọng: chỉ vì Mẹ tin vào những lời hứa hẹn của Thiên Chúa và chờ đợi việc cứu độ Yến Duyên mà thiên thần mới đến viếng thăm Mẹ và kêu mời Mẹ dứt khoát phục vụ cho những lời hứa hẹn ấy. Mẹ Maria là một người nữ của niềm tin tưởng: “Phúc cho em vì em tin tưởng”, bà Isave nói với Mẹ như thế (x Lk 1:45). Ca vịnh Magnificat – Ngợi Khen – có thể nói là hình ảnh về tâm hồn của Mẹ – là những gì hoàn toàn đan kết chặt chẽ theo chiều hướng của Thánh Kinh, những chiều hướng được rút tỉa từ Lời Chúa. Ở đây chúng ta thấy Mẹ Maria hoàn toàn sống hợp với Lời Chúa biết bao, Mẹ chiều theo Lời Chúa là chứng nào. Mẹ nói năng và nghĩ tưởng theo Lời Chúa; và Lời Chúa trở thành lời của Mẹ, rồi lời lẽ của Mẹ xuất phát từ Lời Chúa. Ở đây chúng ta thấy tâm tưởng của Mẹ hòa hợp với tâm tưởng của Thiên Chúa biết bao, ý muốn của Mẹ nên một với ý muốn của Thiên Chúa biết là chừng nào. Vì Mẹ Maria hoàn toàn thấm nhuần Lời Chúa mà Mẹ mới có thể trở nên Mẹ của Lời Nhập Thể. Sau hết, Mẹ Maria là một người nữ mến yêu. Làm sao lại có thể xẩy ra khác được chứ? Là một tín hữu tin tưởng suy nghĩ theo ý nghĩ của Thiên Chúa và ước muốn theo ý muốn của Thiên Chúa, Mẹ không thể nào lại không phải là một người nữ mến yêu. Chúng ta cảm nhận được điều này nơi những cử chỉ âm thầm của Mẹ, như được thuật lại nơi các đoạn về Chúa Giêsu ấu nhi trong Phúc Âm. Chúng ta thấy được điều ấy nơi tính cách tinh tế được Mẹ tỏ ra qua việc Mẹ nhận thấy nhu cầu của đôi phối ngẫu ở Cana và trình bày nhu cầu này cùng Chúa Giêsu. Chúng ta thấy điều ấy nơi sự khiêm nhượng Mẹ tỏ ra trong việc Mẹ ẩn thân ở hậu trường cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, vì Mẹ biết rằng Con Mẹ cần phải thành lập một gia đình mới, và giờ của Mẹ sẽ chỉ xẩy ra với Thập Tự Giá, giờ thực sự của Chúa Giêsu (x Jn 2:4,13:1). Trong khi thành phần môn để tẩu thoát thì Mẹ Maria vẫn đứng dưới chân Thập Tự Giá (x Jn 19:25-27); sau đó, vào giờ của Lễ Ngũ Tuần, các vị qui tụ lại bên Mẹ để dón chở Thánh Linh (x Acts 1:14).

 

42.       Đời sống của các thánh nhân không giới hạn vào tiểu sử trần thế của các vị, mà còn bao gồm cả việc các vị hiện diện và hoạt động trong Thiên Chúa sau khi chết nữa. Nơi các vị thánh, một điều duy nhất rất rõ ràng là những ai đến gần Thiên Chúa thì không tránh né con người, trái lại thực sự gần gũi với con người. Chúng ta thấy điều này sáng tỏ ở nơi Mẹ Maria hơn ai hết. Những lời Chúa Kitô tử giá nói cùng người môn đệ của mình – cho Thánh Gioan và qua ngài cho tất cả những người môn đệ của Chúa Giêsu: “Này là Mẹ của con!” (Jn 19:27) – được nên trọn một cách mới mẻ nơi mọi thế hệ. Mẹ Maria đã thực sự trở nên Mẹ của tất cả mọi tín hữu. Con người nam nử ở hết mọi thời đại và ở hết mọi nơi đều chạy đến với lòng nhân ái từ mẫu của Mẹ cũng như với đức trinh trong và ân huệ của Mẹ, cho tất cả mọi nhu cầu và ước vọng của họ, cho niềm vui nỗi buồn của họ, cho những lúc lẻ loi cô độc và những nỗ lực chung của họ. Họ liên lỉ cảm nghiệm được ân huệ của lòng Mẹ nhân ái cũng như của mối tình yêu thương liên lỉ được Mẹ tuôn trào ra từ đáy lòng của Mẹ. Những chứng từ của lòng tri ân cảm tạ dâng lên Mẹ từ mọi châu lục và mọi nền văn hóa là việc nhìn nhận tình yêu thương tinh tuyền không tìm mình mà chỉ toàn là bao dung. Viện tôn sùng này của tín hữu đồng thời cũng chứng tỏ cho thấy một trực giác không thể sai lầm về cách thức làm sao có thể hiện thực mối tình yêu thương như thế, đó là vì nó là hoa trái của mối hiệp thông thân mật nhất với Thiên Chúa, nhờ đó, linh hồn hoàn toàn được Ngài chiếm đoạt – một điều kiện làm cho những ai uống từ nguồn mạch yêu thương của Thiên Chúa, về phần họ, có thể trở nên một mạch nguồn “tuôn ra những giòng sông chảy nước sự sống” (Jn 7:38). Mẹ Maria, Vị Trinh Nữ và Mẫu Thân, cho chúng ta thấy tình yêu là gì, nó được bắt nguồn từ đâu, cũng như thấy được quyền lực liên lỉ được đổi mới của nó. Chúng ta ký thác Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội trong việc phục vụ yêu thương cho Mẹ:

 

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời,

Mẹ đã ban cho thế gian ánh sáng chân thật của nó,

Là Chúa Giêsu Con Mẹ cũng là Con Thiên Chúa.

Mẹ đã hoàn toàn bỏ mình đi

Cho tiếng gọi của Thiên Chúa

Nhờ đó Mẹ trở thành một giòng suối

Của lòng nhân ái xuất phát từ Ngài.

Xin Mẹ hãy tỏ cho chúng con thấy Chúa Giêsu. Hãy dẫn chúng con đến với Người.

Hãy dạy cho chúng con hiểu biết Người và mến yêu Người,

Để cả chúng con nữa cũng

Có thể yêu thương thực sự

Và trở thành những nguồn nước sự sống

Giữa một thế giới đang khát khao.

 

Ban hành tại Đền Thánh Phêrô Rôma ngày 25/12, Lễ Trọng Kính Chúa Giáng Sinh năm 2005, năm thứ nhất của Giáo Triều tôi.

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html

 

 

TOP

 

 

Dẫn Nhập cho Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ban hành ngày 25/1/2006

 

Nói đến Tết người ta thường đệm thêm chữ “nhất” nữa, gọi là “Tết Nhất”, nghĩa là vào dịp Tết hay trong ngày Tết thì cái gì cũng nhất hết. Bởi thế mới có thành ngữ “vui như tết”, hay mọi người từ già đến trẻ từ lớn đến bé mới mặc những bộ quần áo đẹp nhất trong năm, theo tục lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, Tết Nhất sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa, dù có đầy những cây nêu cùng với dưa hành câu đối đỏ và pháo nổ bánh chưng xanh chăng nữa, nếu vắng bóng một yếu tố bất khả thiếu, một yếu tố nếu thiếu thì dù vợ chồng có nằm chung một giường cũng vẫn “ngàn trùng xa cách”, một yếu tố làm cho thời gian và cuộc đời ngắn ngủi con người buồn nhiều hơn vui trong cõi trần gian “đời là bể khổ” này lúc nào cũng “vui như tết”, đó là tình yêu.

 

Phải, tình yêu chính là chủ đề của bức thông điệp đầu tay của vị giáo hoàng thứ 265 của Giáo Hội Công Giáo, vị Giáo Hoàng đến từ một quốc gia đã gây ra hai thế chiến trong thế kỷ 20, một quốc gia cũng phát xuất ra phong trào Thệ Phản Tin Lành chia rẽ Giáo Hội Chúa Kitô từ đầu thế kỷ 16. Đúng vậy, “Thiên Chúa Là Tình Yêu - Deus Caritas Est” chính là nhan đề của bức thông điệp này. Thế nhưng, ở đây có ba vấn đề được đặt ra: vấn đề thứ nhất đó là tại sao vị đương kim Giáo Hoàng lại nói về Tình Yêu, một đề tài có vẻ như lạc đề trong một thế giới đầy những vấn đề sôi bỏng về kinh tế, chính trị, văn hóa và luân lý ngày nay, lạc đề như việc ngài chọn danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức của ngài, và ngài huấn dụ về đề tài này để làm gì? Vấn đề thứ hai, đó là nội dung và kết cấu của bức thông điệp có vẻ lạ lùng này ra sao? Và vấn đề thứ ba, ý nghĩa liên hệ giữa bức thông điệp và thời điểm ban hành của nó là gì?

 

Trước hết, lý do và mục đích Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI ban hành bức Thông Điệp tựa đề “Thiên Chúa là Tình Yêu” có vẻ không hợp thời này, chúng ta hãy nghe chính ngài nói trong bài huấn từ ngài ngỏ cùng Hội Nghị của Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm Cor Unum hôm Thứ Hai 23/12/2006 như sau:

 

“Tiếng ‘yêu thương’ ngày nay bị lu mờ, bại hoại và lạm dụng tới độ người ta hầu như sợ nói đến nó trên môi miệng. Tuy nhiên, nó lại là một lời nống cốt, một diễn đạt về một thực tại nguyên khởi; chúng ta không thể ngang nhiên loại bỏ nó đi, chúng ta cần phải lấy nó lại, thanh tẩy nó và trả lại cho nó thứ ánh quang rạng ngời nguyên thủy, để nó có thể soi chiếu đời sống của chúng ta và áp dụng nó một cách đúng đắn. Nhận thức này là những gì đã thúc đẩy tôi chọn yêu thương làm đề tài cho bức thông điệp đầu tay của tôi.

 

“Tôi muốn nhấn mạnh tới trọng tâm của niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, nơi Vị Thiên Chúa đã mang một dung nhan con người và có một trái tim nhân loại. Đức tin không phải là một lý thuyết con người có thể nhận lấy hay bỏ qua. Nó là một cái gì đó rất cụ thể: Nó là tiêu chuẩn để quyết định lối sống của chúng ta. Trong một thời đại mà thù nghịch và tham lam đã trở thành những thứ siêu quyền lực, một thời đại chúng ta đang chứng kiến thấy cảnh lạm dụng tôn giáo tới độ lên tới tột đỉnh hận thù, thì thứ lập luận  trung dung tự mình không thể nào bảo vệ được chúng ta. Chúng ta cần đến Vị Thiên Chúa hằng sống đã yêu thương chúng ta cho tới chết.

 

“Bởi thế mà trong bức Thông Điệp này, các đề tài về ‘Thiên Chúa’, về ‘Đức Kitô’ và về ‘Tình Yêu’ quyện lẫn với nhau, như những gì hướng dẫn chính yếu cho đức tin Kitô Giáo. Tôi muốn tỏ cho nhân lại thấy về đức tin, về những gì làm nên ‘tình ái’, về việc con người “chấp nhận” cái bản chất thể lý được Thiên Chúa dựng nên, một ‘chấp nhận’ cái nguồn gốc ở việc tạo thành thứ hôn nhân bất khả phân ly giữa nam nữ. Để rồi nơi đức tin ấy, ‘tình ái’ được biến thành ’thiện ái’, thành tình yêu nhau không còn tìm mình nữa mà là quan tâm tới nhau, sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho nhau và hướng tới tặng ân của một sự sống mới.

 

“’Thiện ái’ Kitô Giáo, tức tình yêu thương tha nhân theo gương Chúa Kitô, không phải là một điều gì đó xa lạ, thiên lệch hay một điều gì đó thậm chí phản lại với ‘tình ái’; trái lại, bằng việc tự hiến mình cho con người, Người đã cho thấy một chiều kích mới, một chiều kích Người đã phát triển hơn nữa theo giòng lịch sử nơi việc dấn thân bác ái của thành phần Kitô hữu cho người nghèo khổ cũng như cho thành phần khổ đau”.

 

Ngoài ra, cuối bài huấn từ cho buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 18/1/2005, ngày mở màn cho Tuần Lễ Cầu Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, Đức Thánh Cha đã nói qua về những gì ngài đã nói trên đây như sau:

 

“Với bức thông điệp này, tôi muốn trình bày quan niệm về tình yêu theo các chiều kích khác nhau của nó. Ngày nay, theo ngôn ngữ học quen biết thì ‘yêu thương’ dường như vẫn thường là những gì rất xa vời với ý nghĩ của Kitô hữu khi họ nói về bác ái. Tôi muốn chứng tỏ cho thấy nó là một hướng động duy nhất theo các chiều kích khác nhau.

 

“’Tình ái – eros’, tặng ân yêu thương giữa con người nam nữ, xuất phát từ cùng một nguồn thiện hảo của Đấng Hóa Công, cũng như từ tiềm năng của một tình yêu bỏ mình vì nhau. ‘Tình ái’ được biến đổi thành ‘thiện ái – agape’ theo chiều kích hai người thực sự yêu nhau, không còn tìm mình, không còn tìm hưởng thụ, không còn tìm hạnh phúc bản thân, mà trên hết tìm thiện ích của nhau. Nhờ thế, ‘tình ái’ được biến đổi thành bác ái, bằng đường lối thanh tẩy, sâu đậm. Từ gia đình của mình, người ta mở rộng hơn tới gia đình xã hội, tới gia đình Giáo Hội, tới gia đình thế giới.

 

Điểm thứ hai chúng ta cần biết đến về bức thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, một bức thông điệp, như chúng ta vừa biết đến nguyên nhân và mục đích được vị Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta biên soạn và ban hành, chẳng những hợp thời và còn khẩn trương cho chung thế giới và cho riêng Kitô hữu hiện đại nữa, đó là vần đề nội dung và kết cấu của bức thông điệp có vẻ lạ lùng này ra sao? Cũng trong cùng bài huấn từ trên đây, ngài đã cho biết có hai phần, phần đầu về lý thuyết yêu thương của Kitô Giáo và phần hai là hoạt động yêu thương của Giáo Hội. Sau đây là nguyên văn lời của Đức Thánh Cha:

 

“Thoạt tiên đọc bức Thông Điệp này có lẽ nẩy lên cảm tưởng là nó được chia làm hai phần không mấy liên hệ với nhau là bao: phần thứ nhất về lý thuyết bàn đến yếu tính của tình yêu, và phần thứ hai bao gồm đức bác ái của giáo hội cùng với những cơ cấu tổ chức bác ái của giáo hội. Tuy nhiên, tôi lại thực sự chú trọng tới mối liên kết giữa hai đề tài ấy, những đề tài chỉ có thể được hiểu một cách thích đáng nếu chúng được thấy như là một điều duy nhất.

 

“Nhất là, cần phải tỏ cho thấy rằng con người được dựng nên để yêu thương, và tình yêu thương này, một tình yêu mới đầu trước hết được tỏ ra như là ‘những thứ tình ái – eros’ giữa nam nữ, cần phải được biến đổi hoàn toàn thành ‘thiện ái  - agape’, qua việc hiến mình cho nhau để đáp ứng chính đáng bản chất chân thực của ‘tình ái’.  Theo đó, cần phải làm sáng tỏ là yếu tính của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân được diễn tả trong Thánh Kinh là cốt lõi của đời sống Kitô Giáo, nó là hoa trái của đức tin.

 

“Bởi thế, ở phần hai, cần phải nhấn mạnh rằng tác động hoàn toàn cá biệt của ‘thiện ái’ không bao giờ lại chỉ một vấn đề thuần cá nhân, trái lại, nó còn cần phải trở thành một tác động thiết yếu của Giáo Hội như là một cộng đồng nữa, tức là, nó cũng cần đến một thứ hình thức cơ cấu được thể hiện nơi hoạt động cộng đồng của Giáo Hội. Cơ cấu tổ chức bác ái của Giáo Hội không phải là một hình thức trợ giúp xã hội, một thứ thêm thắt thường tình vào thực tại Giáo Hội, một sáng kiến mà người khác cũng có thể thực hiện.

 

“Trái lại, nó thuộc về bản chất của Giáo Hội. Như việc loan báo của nhân loại, của lời đức tin cần phải tương ứng với ‘Lời’ thần linh thế nào, thì ‘thiện ái’ của Giáo Hội, hoạt động bác ái của Giáo Hội, cũng phải tương ứng với ‘Thiện Ái’ là Thiên Chúa như vậy. Hoạt động này, ngoài ý nghĩa rất cụ thể trước hết của nó trong việc giúp đỡ tha nhân, cũng thông đạt cho người khác tình yêu Thiên Chúa là tình yêu chính chúng ta đã lãnh nhận. Nó cần phải làm cho Thiên Chúa hằng sống trở thành hiển hiện một cách nào đó. Trong một tổ chức bác ái thì Thiên Chúa và Đức Kitô không được trở thành những lời xa lạ; thật vậy, những lời này cho thấy nguồn gốc nguyên thủy của đức ái giáo hội. Sức mạnh của ‘Đức Ái’ lệ thuộc vào sức mạnh đức tin của tất cả mọi phần tử và cộng sự viên của mình.

 

“Cảnh tượng về con người khổ đau là những gì làm cho tâm can của chúng ta rung động. Thế nhưng, việc dấn thân làm việc bác ái có một ý nghĩa hoàn toàn vượt lên trên thứ thương tâm tầm thường này. Nó chính là Thiên Chúa, Đấng thôi thúc chúng ta ở trong tận thâm cung bản thân mình thực hiện việc xoa dịu cảnh khốn cùng. Nhờ thế chúng ta mang Ngài đến với thế giới khổ đau. Một khi càng ý thức và rõ ràng về việc chúng ta được diễm phúc mang Ngài thì tình yêu của chúng ta mới càng hiệu nghiệm hơn trong việc biến đổi thế giới này và trong việc làm bừng lên niềm hy vọng, một niềm hy vọng vượt qua sự chết”.

 

Ngoài ra, cũng ở cuối bài huấn từ cho buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 18/1/2005, ngày mở màn cho Tuần Lễ Cầu Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, Đức Thánh Cha đã nói qua về những gì ngài đã nói liên quan đến phần thứ hai của bức Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” trên đây như sau:

 

“Tôi cũng cố gắng chứng tỏ cho thấy rằng tác động hoàn toàn cá biệt từ Thiên Chúa đến tới chúng ta là một tác động yêu thương đặc thù. Nó cũng cần phải được thể hiện như là một tác động của Giáo Hội, của cơ cấu tổ chức. Nếu thực sự Giáo Hội là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người tạo sinh, thì thực sự tác động căn bản của đức tin, một tác động tạo nên và hiệp nhất Giáo Hội cùng ban cho chúng ta niềm hy vọng về sự sống trường sinh và về việc hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian, cũng làm phát sinh tác động của Giáo Hội. Nói cách khác, Giáo Hội, bao gồm việc là Giáo Hội, là cộng đồng, cần phải yêu thương theo cơ cấu.

 

“Và ‘Đức Ái’ này không phải chỉ là một tổ chức thuần túy, như các tổ chức từ thiện khác, mà là một thể hiện cần thiết của một tác động sâu xa của tình yêu cá nhân với vị Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta, khơi lên nơi tâm hồn chúng ta tác động yêu thương, phản ảnh Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài”.

 

Và vấn đề thứ ba, ý nghĩa liên hệ giữa bức thông điệp và thời điểm ban hành của nó là gì?

 

Nếu Công Đồng Chung Vaticanô II, trong 16 văn kiện, có 4 văn kiện có một giá trị giáo huấn cao nhất là 4 Hiến Chế: Hiến Chế về Phụng Vụ “Thánh Công Đồng - Sacrosanctum Concilium” ban hành ngày 4/12/1963, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium” ban hành ngày 21/11/1964, Hiến Chế về Mạc Khải “Lời Chúa - Dei Verbum” ban hành ngày 18/11/1965, và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội “Vui Mừng Và Hy Vọng – Gaudium Et Spes” ban hành ngày 7/12/1965, thì Đức Phaolô VI liên quan tới Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, Đức Gioan Phaolô II liên quan tới Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội “Vui Mừng Và Hy Vọng”, và Vị Giáo Hoàng Biển Đức liên quan tới hai Hiến Chế còn lại là Hiến Chế về Phụng Vụ và Hiến Chế về Lời Chúa.

 

Sở dĩ Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI có liên quan tới hai Hiến Chế này là vì chủ trương ưu tiên hàng đầu của giáo triều ngài là vấn đề đại kết Kitô giáo, một vấn đề lại có liên quan đến cả hai Hiến Chế Phụng Vụ lẫn Lời Chúa này: Phụng Vụ thì liên quan tới các Giáo Hội Chính Thống là những Giáo Hội Đông Phương đã tách rời Giáo Hội Công Giáo Rôma từ thế kỷ 11, năm 1054, những Giáo Hội theo những truyền thống lễ nghi phụng vụ khác nhau; Lời Chúa thì liên quan tới các cộng đồng giáo hội thuộc Phong Trào Cải Cách được Việt Nam gọi là anh chị em Tin Lành, một phong trào bắt đầu từ đầu thế kỷ 16, năm 1517, một phong trào chủ trương sola scriptura – chỉ duy có Thánh Kinh, chỉ có Lời Chúa mà thôi, ngoài ra không có Thánh Truyền hay Huấn Quyền Giáo Hội gì hết.

 

Sự kiện ngài ban hành bức Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của mình vào Ngày Kết Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo không phải là một dấu chỉ thời đại cho thấy Kitô hữu cần phải trở về với căn tính đức ái trọn hảo, với “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của mình mới có thể hiệp nhất nên một hay sao? Đúng thế, ở những lời kết buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 18/1/2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã xác nhận về mối liên hệ giữa bức thông điện và thời điệp ban hành này như sau:

 

“Cũng vào ngày kết Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo này, bức thông điệp đầu tiên của tôi cuối cùng sẽ được ban hành, nhan đề như đã được biết đến, đó là ‘Deus Caritas Est - Thiên Chúa Là Tình Yêu. Đề tài này không trực tiếp liên quan tới vấn đề đại kết, thế nhưng bố cục và bối cảnh lại là vấn đề đại kết, vì Thiên Chúa và tình yêu thương của chúng ta là điều kiện cho mối hiệp nhất của Kitô hữu. Cả hai là điều kiện cho hòa bình trên thế giới”.  

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Hội Nghị của Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm về Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” sắp ban hành của Ngài

 

Sáng Thứ Hai 23/1/2005, Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm Cor Unum tổ chức hai ngày hội nghị 23-24/1/2005, để sửa soạn cho và theo chiều hướng của Bức Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ được ban hành chính thức vào Thứ Tư 25/1/2005, Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại, kết Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất Kitô Giáo. Chủ đề của hội nghị dọn đường này cũng theo chiều hướng đức ái, đó là một câu được trích từ Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Côrintô: “… Thế nhưng, trọng nhất trong ba nhân đức này là đức ái”. Trong bài huấn từ của mình ngỏ cùng hội nghị này hôm nay, Đức Thánh Cha đã tiếp tục nóivề bức thông điệp của ngài như sau:

 

Cuộc hành trình vũ trụ được thi hào Dante, trong vở ‘Hài Kịch Thần Linh’, muốn độc giả theo dõi kết thúc trước ánh sáng vĩnh hằng là chính Thiên Chúa, trước thứ ánh sáng đồng thời cũng là ‘tình yêu tác động mặt trời cùng với các tinh tú khác’ ("Paradise" XXXIII, verse 145). Ánh sáng và yêu thương chỉ là một điều duy nhất. Chúng là quyền năng sáng tạo khởi nguyên tác động vũ trụ này.

 

Nếu những lời ấy của nhà thi sĩ đây tỏ lộ tư tưởng của Aristote, nhân vật đã thấy “cái tình ái” này là thứ quyền năng tác động thế giới, tuy nhiên, cái nhìn của thi sĩ Dante còn nhận thấy một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ và không thể ngờ được đối với vị triết gia Hy Lạp này.

 

Ánh Sáng Vĩnh Hằng này chẳng những được hiện lên với ba vòng tròn được nhà thơ này nói đến bằng những câu nói sâu xa như chúng ta biết, đó là “Hỡi Ánh Sáng Vĩnh Hằng, Ngài chỉ ở trong Chính Mình Ngài, và chỉ có Ngài mới biết Ngài mà thôi; Ngài tự biết Mình, Ngài biết được Mình, Ngài yêu Mình và mỉm cười về Mình!” ("Paradise," XXXIII, verses 124-126). Thật vậy, nhận thức về một bộ mặt con người – bộ mặt của Chúa Giêsu Kitô – bộ mặt mà thi sĩ Dante thấy trong cái vòng tròn ánh sáng trọng tâm thậm chí còn trổi vượt hơn cả mạc khải về Thiên Chúa như cái vòng nhận thức và yêu thương Tam Vị nữa.

 

Thiên Chúa, Ánh Sáng vĩnh hằng, Đấng mà mầu nhiệm khôn lường về Ngài đã được vị triết gia Hy Lạp này trực giác thấy, Vị Thiên Chúa này có một dung nhan con người, và chúng ta có thể nói, có một trái tim nhân loại. Nhãn quan của Dante cho thấy cái liên tục giữa niềm tin tưởng của Kitô Giáo vào Thiên Chúa và việc tìm kiếm theo lý trí cũng như theo lãnh vực các tôn giáo; tuy nhiên, đồng thời cũng xuất hiện cả một cái gì mới mẻ vượt ra ngoài tất cả những gì con người tìm kiếm nữa, cái mới mẻ mà chỉ chính Thiên Chúa mới có thể tỏ ra cho chúng ta biết mà thôi, đó là cái mới mẻ của một tình yêu thúc đẩy Thiên Chúa mang lấy bộ mặt con người, còn hơn thế nữa, mặc lấy huyết nhục, lấy toàn thể con người.

 

“Cái tình ái” này của Thiên Chúa không phải chỉ là một thứ quyền lực khởi nguyên của vũ trụ, mà là tình yêu đã tác tạo nên con người và cúi xuống với họ, như người Samaritanô Nhân Lành cúi xuống với con người bị thương tích, nạn nhân của các tay trộm cướp, con người đang nằm bên lề đường dẫn từ Giêrusalem tới Giêricô

 

Tiếng ‘yêu thương’ ngày nay bị lu mờ, bại hoại và lạm dụng tới độ người ta hầu như sợ nói đến nó trên môi miệng. Tuy nhiên, nó lại là một lời nống cốt, một diễn đạt về một thực tại nguyên khởi; chúng ta không thể ngang nhiên loại bỏ nó đi, chúng ta cần phải lấy nó lại, thanh tẩy nó và trả lại cho nó thứ ánh quang rạng ngời nguyên thủy, để nó có thể soi chiếu đời sống của chúng ta và áp dụng nó một cách đúng đắn. Nhận thức này là những gì đã thúc đẩy tôi chọn yêu thương làm đề tài cho bức thông điệp đầu tay của tôi.

 

Tôi muốn cố gắng và trình bày, cho thời đại của chúng ta đây và cho cuộc sống của chúng ta đây, một điều gì đó được đại thi hào Dante gói ghém trong nhãn quan của ông. Ông nói về “nhận thức” của mình là những gì “được nẩy nở” khi nhìn vào nó, những gì làm ông thay đổi sâu xa (lời trích dẫn theo Anh ngữ là ‘Thế nhưng nhờ nhận thức này, một nhận thức trở thành vững mạnh nơi tôi khi nhìn ngắm, một dáng vẻ duy nhất từng làm thay đổi tôi như tôi đã đổi thay’ [cf. "Paradise," XXXIII, verses 112-114]). Chính vì thế mà đức tin có thể trở thành một nhãn kiến biến đổi chúng ta.

 

Tôi muốn nhấn mạnh tới trọng tâm của niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, nơi Vị Thiên Chúa đã mang một dung nhan con người và có một trái tim nhân loại. Đức tin không phải là một lý thuyết con người có thể nhận lấy hay bỏ qua. Nó là một cái gì đó rất cụ thể: Nó là tiêu chuẩn để quyết định lối sống của chúng ta. Trong một thời đại mà thù nghịch và tham lam đã trở thành những thứ siêu quyền lực, một thời đại chúng ta đang chứng kiến thấy cảnh lạm dụng tôn giáo tới độ lên tới tột đỉnh hận thù, thì thứ lập luận  trung dung tự mình không thể nào bảo vệ được chúng ta. Chúng ta cần đến Vị Thiên Chúa hằng sống đã yêu thương chúng ta cho tới chết.

 

Bởi thế mà trong bức Thông Điệp này, các đề tài về “Thiên Chúa”, về “Đức Kitô” và về “Tình Yêu” quyện lẫn với nhau, như những gì hướng dẫn chính yếu cho đức tin Kitô Giáo. Tôi muốn tỏ cho nhân lại thấy về đức tin, về những gì làm nên “tình ái”, về việc con người “chấp nhận” cái bản chất thể lý được Thiên Chúa dựng nên, một “chấp nhận” cái nguồn gốc ở việc tạo thành thứ hôn nhân bất khả phân ly giữa nam nữ. Để rồi nơi đức tin ấy, “tình ái” được biến thành “thiện ái”, thành tình yêu nhau không còn tìm mình nữa mà là quan tâm tới nhau, sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho nhau và hướng tới tặng ân của một sự sống mới.

 

“Thiện ái” Kitô Giáo, tức tình yêu thương tha nhân theo gương Chúa Kitô, không phải là một điều gì đó xa lạ, thiên lệch hay một điều gì đó thậm chí phản lại với “tình ái”; trái lại, bằng việc tự hiến mình cho con người, Người đã cho thấy một chiều kích mới, một chiều kích Người đã phát triển hơn nữa theo giòng lịch sử nơi việc dấn thân bác ái của thành phần Kitô hữu cho người nghèo khổ cũng như cho thành phần khổ đau.

 

Thoạt tiên đọc bức Thông Điệp này có lẽ nẩy lên cảm tưởng là nó được chia làm hai phần không mấy liên hệ với nhau là bao: phần thứ nhất về lý thuyết bàn đến yếu tính của tình yêu, và phần thứ hai bao gồm đức bác ái của giáo hội cùng với những cơ cấu tổ chức bác ái của giáo hội. Tuy nhiên, tôi lại thực sự chú trọng tới mối liên kết giữa hai đề tài ấy, những đề tài chỉ có thể được hiểu một cách thích đáng nếu chúng được thấy như là một điều duy nhất.

 

Nhất là, cần phải tỏ cho thấy rằng con người được dựng nên để yêu thương, và tình yêu thương này, một tình yêu mới đầu trước hết được tỏ ra như là “những thứ tình ái – eros” giữa nam nữ, cần phải được biến đổi hoàn toàn thành “thiện ái  - agape”, qua việc hiến mình cho nhau để đáp ứng chính đáng bản chất chân thực của “tình ái”.  Theo đó, cần phải làm sáng tỏ là yếu tính của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân được diễn tả trong Thánh Kinh là cốt lõi của đời sống Kitô Giáo, nó là hoa trái của đức tin.

 

Bởi thế, ở phần hai, cần phải nhấn mạnh rằng tác động hoàn toàn cá biệt của “thiện ái” không bao giờ lại chỉ một vấn đề thuần cá nhân, trái lại, nó còn cần phải trở thành một tác động thiết yếu của Giáo Hội như là một cộng đồng nữa, tức là, nó cũng cần đến một thứ hình thức cơ cấu được thể hiện nơi hoạt động cộng đồng của Giáo Hội. Cơ cấu tổ chức bác ái của Giáo Hội không phải là một hình thức trợ giúp xã hội, một thứ thêm thắt thường tình vào thực tại Giáo Hội, một sáng kiến mà người khác cũng có thể thực hiện.

 

Trái lại, nó thuộc về bản chất của Giáo Hội. Như việc loan báo của nhân loại, của lời đức tin cần phải tương ứng với “Lời” thần linh thế nào, thì “thiện ái” của Giáo Hội, hoạt động bác ái của Giáo Hội, cũng phải tương ứng với “Thiện Ái” là Thiên Chúa như vậy. Hoạt động này, ngoài ý nghĩa rất cụ thể trước hết của nó trong việc giúp đỡ tha nhân, cũng thông đạt cho người khác tình yêu Thiên Chúa là tình yêu chính chúng ta đã lãnh nhận. Nó cần phải làm cho Thiên Chúa hằng sống trở thành hiển hiện một cách nào đó. Trong một tổ chức bác ái thì Thiên Chúa và Đức Kitô không được trở thành những lời xa lạ; thật vậy, những lời này cho thấy nguồn gốc nguyên thủy của đức ái giáo hội. Sức mạnh của “Đức Ái” lệ thuộc vào sức mạnh đức tin của tất cả mọi phần tử và cộng sự viên của mình.

 

Cảnh tượng về con người khổ đau là những gì làm cho tâm can của chúng ta rung động. Thế nhưng, việc dấn thân làm việc bác ái có một ý nghĩa hoàn toàn vượt lên trên thứ thương tâm tầm thường này. Nó chính là Thiên Chúa, Đấng thôi thúc chúng ta ở trong tận thâm cung bản thân mình thực hiện việc xoa dịu cảnh khốn cùng. Nhờ thế chúng ta mang Ngài đến với thế giới khổ đau. Một khi càng ý thức và rõ ràng về việc chúng ta được diễm phúc mang Ngài thì tình yêu của chúng ta mới càng hiệu nghiệm hơn trong việc biến đổi thế giới này và trong việc làm bừng lên niềm hy vọng, một niềm hy vọng vượt qua sự chết.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit và VIS phổ biến ngày 23/1/2006

 

TOP

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Thông Báo về Bức Thông Điệp Đầu Tay của Ngài

 

Vào lúc kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 18/1/2005, ngày đầu Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chính thức thông báo việc ngài sẽ ban hành bức thông điệp đầu tay mang tựa đề “Thiên Chúa là Tình yêu” của ngài vào ngày 25/1/2006, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại. Sau đây là nguyên văn lời của ngài.

 

Theo chiều hướng này và với những cảm thức ấy, Thứ Tư tuần tới, 25/1, Lễ Trở Lại của Vị Tông Đồ Dân Ngoại, tôi sẽ theo chân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để cùng với anh em Chính Thống và Thệ Phản cầu nguyện: cầu nguyện để tạ ơn về những gì Chúa đã ban cho chúng ta; cầu nguyện để Chúa hướng dẫn chúng ta trên những nẻo đường hiệp nhất.

 

Ngoài ra, cũng vào ngày này, bức thông điệp đầu tiên của tôi cuối cùng sẽ được ban hành, nhan đề đã được biết đến, đó là “Deus Caritas Est”, “Thiên Chúa Là Tình Yêu”. Đề tài này không trực tiếp liên quan tới vấn đề đại kết, thế nhưng bố cục và bối cảnh lại là vấn đề đại kết, vì Thiên Chúa và tình yêu thương của chúng ta là điều kiện cho mối hiệp nhất của Kitô hữu. Cả hai là điều kiện cho hòa bình trên thế giới.

 

Với bức thông điệp này, tôi muốn trình bày quan niệm về tình yêu theo các chiều kích khác nhau của nó. Ngày nay, theo ngôn ngữ học quen biết thì “yêu thương” dường như vẫn thường là những gì rất xa vời với ý nghĩ của Kitô hữu khi họ nói về bác ái. Tôi muốn chứng tỏ cho thấy nó là một hướng động duy nhất theo các chiều kích khác nhau.

 

“Tình ái - eros”, tặng ân yêu thương giữa con người nam nữ, xuất phát từ cùng một nguồn thiện hảo của Đấng Hóa Công, cũng như từ tiềm năng của một tình yêu bỏ mình vì nhau. “Tình ái” được biến đổi thành “nhân ái – agape” theo chiều kích hai người thực sự yêu nhau, không còn tìm mình, không còn tìm hưởng thụ, không còn tìm hạnh phúc bản thân, mà trên hết tìm thiện ích của nhau. Nhờ thế, “tình ái” được biến đổi thành bác ái, bằng đường lối thanh tẩy, sâu đậm. Từ gia đình của mình, người ta mở rộng hơn tới gia đình xã hội, tới gia đình Giáo Hội, tới gia đình thế giới.

 

Tôi cũng cố gắng chứng tỏ cho thấy rằng tác động hoàn toàn cá biệt từ Thiên Chúa đến tới chúng ta là một tác động yêu thương đặc thù. Nó cũng cần phải được thể hiện như là một tác động của Giáo Hội, của cơ cấu tổ chức. Nếu thực sự Giáo Hội là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người tạo sinh, thì thực sự tác động căn bản của đức tin, một tác động tạo nên và hiệp nhất Giáo Hội cùng ban cho chúng ta niềm hy vọng về sự sống trường sinh và về việc hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian, cũng làm phát sinh tác động của Giáo Hội. Nói cách khác, Giáo Hội, bao gồm việc là Giáo Hội, là cộng đồng, cần phải yêu thương theo cơ cấu.

 

Và “Đức Ái” này không phải chỉ là một tổ chức thuần túy, như các tổ chức từ thiện khác, mà là một thể hiện cần thiết của một tác động sâu xa của tình yêu cá nhân với vị Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta, khơi lên nơi tâm hồn chúng ta tác động yêu thương, phản ảnh Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài.

 

Thời gian cần để soạn thảo và chuyển dịch bản văn đã đủ. Giờ đây sự kiện nó sẽ được ban hành vào chính ngày chúng ta cầu nguyện cho mối hiệp nhất của Kitô hữu dường như là một tặng ân của Đấng Quan Phòng. Tôi hy vọng bức thông điệp này sẽ soi động và giúp cho cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.


 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/1/2006

 

 

TOP

 

Bài ĐTC BĐXVI viết để dẫn giải về Bức Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu cho Độc Giả Tuần San Famiglia Cristiana

 

Sau đây là nguyên văn bài Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viết cho tờ tuần san đông độc giả nhất ở Ý là Famiglia Cristiana, và được phổ biến trên số ra ngày 5/2/2006.

 

Quí Độc Giả Tuần San Famiglia Cristiana thân mến,

 

Tôi rất vui mừng vì Famiglia Cristiana đã gửi đến tận nhà của anh chị em bức thông điệp của tôi, và cho tôi cơ hội để kèm thao bức thông điệp này mấy lời giúp cho nó được dễ hiểu hơn. Thật vậy, mới đầu bức thông điệp này có vẻ hơi khó hiểu và về lý thuyết. Thế nhưng, khi bắt đầu đọc thì thấy rõ ràng là tôi chỉ muốn đáp ứng một số vấn nạn rất cụ thể cho đời sống Kitô Giáo mà thôi.

 

Vấn nạn thứ nhất như sau: Có thể kính mến Thiên Chúa được hay chăng?; hơn nữa: Tình yêu phải chăng là một điều gì đó bắt buộc? Phải chăng đó là một thứ tình cảm người ta có hay không có? Câu trả lời cho vấn nạn thứ nhất này là: Phải, chúng ta có thể mến yêu Thiên Chúa, vì Ngài không còn ở một khoảng cách bất khả vươn tới song đã và đang đi vào đời sống của chúng ta. Ngài đang đến để gặp gỡ mỗi một người chúng ta: nơi các phép bí tích là những gì nhờ đó Ngài tác hành trong đời sống của chúng ta; qua đức tin của Giáo Hội Ngài muốn dùng để nói với chúng ta, làm cho chúng ta gặp gỡ những con người được Ngài tác động, thành phần truyền đạt ánh sáng cho chúng ta; qua những sắt đặt Ngài muốn dùng để nhúng tay can thiệp vào đời sống của chúng ta; cũng như qua những dấu hiệu nơi tạo vật được Ngài ban cho chúng ta.

 

Người chẳng những đã cống hiến cho chúng ta tình yêu, nhất là Ngài trước hết đã sống yêu thương và đang gõ cửa lòng chúng ta bằng nhiều cách để mời mọc chúng ta đáp ứng yêu thương. Tình yêu không phải chỉ là một tình cảm; nó bao gồm cả ý muốn và lý trí nữa. Bằng Lời của mình, Thiên Chúa đang nói với lý trí của chúng ta, ý muốn của chúng ta và cảm tình của chúng ta, nhờ đó chúng ta mới biết cách mến yêu Ngài “hết lòng và hết linh hồn của chúng ta”. Thật vậy, không đùng một cái chúng ta tự nhiên có được tất cả tình yêu trong tay; trái lại, có thể nói, tình yêu là những gì đang chín tới. Chúng ta có thể học cách yêu thương một cách từ từ, nhờ đó tình yêu sẽ bao gồm tất cả sinh lực của chúng ta và sẽ mở đường cho một cuộc sống chân tình. 

 

Vấn nạn thứ hai là thế này: Chúng ta có thực sự yêu thương “cận nhân” của chúng ta khi họ là một con người xa lạ hay thậm chí là một con người bất khả ưng ý? Phải, chúng ta có thể làm điều ấy, nếu chúng ta là bạn hữu của Thiên Chúa, nếu chúng ta là bạn hữu của Chúa Kitô, nhờ đó, vấn đề trở nên sáng tỏ hơn là Ngài đã yêu thương và đang yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta thường trở mặt với Ngài và sống theo các qui chuẩn khác. Thật thế, nếu đối với chúng ta mối thân tình với Thiên Chúa trở thành một cái gì đó quan trọng và quyết liệt hơn bao giờ hết, thì chúng ta sẽ bắt đầu yêu thương những ai được Thiên Chúa yêu thương và những ai đang cần đến chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên bạn hữu trong số thành phần thiết nghĩa với Ngài, và chúng ta có thể được như thế nếu lòng chúng ta gần gũi với họ.

 

Sau hết, vấn nạn thứ ba được đặt ra là: Với các huấn lệnh và cấm đoán của mình, không phải là Giáo Hội đang làm đắng đót mất niềm vui của “eros – tình ái” hay sao, làm đắng đót cái tình cảm mình được yêu thương hay sao, một tình cảm thúc đẩy chúng ta đến với người khác và tìm cách biến đổi thành một cuộc hiệp nhất nên một hay sao? Tôi đã cố gắng chúng tỏ cho thấy nơi bức thông điệp này là cái hứa hẹn sâu xa nhất của “eros – tình ái” có thể chín tới chỉ khi nào chúng ta không tìm kiếm niềm hạnh phúc tạm bợ và đột xuất mà thôi. Trái lại, chúng ta cùng nhau nhẫn nại khám phá ra mỗi ngày một hơn cái sâu xa nơi con người của nhau, với toàn vẹn xác hồn, nhờ đó, cuối cùng, niền hạnh phúc của người khác là những gì quan trọng hơn niềm hạnh phúc của riêng bản thân chúng ta. Bấy giờ chúng ta không còn muốn lãnh nhận một cái gì đó mà là trao tặng chính bản thân mình, và từ cuộc giải phóng này khỏi “cái tôi” của mình, con người gặp thấy bản thân họ với tràn đầy niềm vui.

 

Trong bức thông điệp này, tôi đã nói tới cuộc hành trình thanh tẩy và trưởng thành hóa cần thiết cho cái hứa hẹn chân thực này của “eros – tình ái” được nên trọn. Ngôn ngữ thuộc truyền thống của Giáo Hội đã gọi tiến trình này là “việc dạy sống thanh tịnh”, việc dạy sống thanh tịnh này thật ra chỉ có nghĩa là biết trọn vẹn yêu thương một từ từ gia tăng và trưởng thành. 

 

Ở phần thứ hai tôi nói về đức bác ái, trong việc phục vụ tình yêu thương chung của Giáo Hội đối với tất cả những ai khổ đau nơi thân xác hay linh hồn và cần đến việc cống hiến yêu thương. Trước hết, có hai vấn nạn được nêu lên ở phần này, đó là Giáo Hội có thể giành việc phục vụ này cho các cơ quan từ thiện khác hay chăng? Câu trả lời là không. Giáo Hội không thể làm như thế. Giáo Hội phải thực thi yêu thương đối với tha nhân bao gồm như là một cộng đồng; bằng không Giáo Hội loan báo tình yêu Thiên Chúa một cách không trọn vẹn và hụt hẫng.

 

Vấn nạn thứ hai là: Có nên phát động một trật tự công bằng, nhờ đó vấn đề nghèo khổ không còn nữa, cũng nhờ đó bác ái trở thành một cái gì dư thừa bất thiết hay chăng? Câu trả lời như thế này: Chắc chắn mục đích của chính trị là để kiến tạo nên một trật tự công bằng trong xã hội, một xã hội nhìn nhận những gì thích đáng với mỗi một người và là một xã hội không còn ai phải chịu cảnh bần cùng nữa. Trong trường hợp này, công bằng thực sự là đối tượng của chính trị, vì bình an không thể có nếu thiếu công bằng. Bởi chính bản chất của mình, Giáo Hội không đích thân pha mình vào chính trị; trái lại, Giáo Hội tôn trọng quyền biệt lập của Quốc Gia cũng như của các cơ cấu quốc gia.

 

Việc tìm kiếm trật tự công bằng này hợp với lý trí chung, chỉ vì chính trị là cái ảnh hưởng đến tất cả mọi người công dân. Tuy nhiên, thường thì lý trị bị lợi lộc và tham vọng quyền lực làm cho mù quáng. Đức tin là những gì giúp vào việc thanh tẩy lý trí, nhờ đó lý trí có thể thấy và quyết định một cách xác đáng. Bởi thế, công việc của Giáo Hội là chữa trị trí khôn và củng cố ý muốn hành thiện. Về khía cạnh này, không dính dáng gì tới chính trị, Giáo Hội hăng say tham dự vào việc chiến đấu cho công lý. Kitô hữu dấn thân cho việc phục vụ quần chúng, qua những tác hành chính trị của mình, cần phải luôn hướng tới những đường lối mới mẻ phục vụ cho công lý.

 

Tuy nhiên, tôi mới chỉ trả lời nửa phần đầu của vấn nạn của chúng ta thôi. Nửa phần sau tôi muốn nhấn mạnh đến trong bức thông điệp này, đó là: Công bình không bao giờ lại là những gì bất cần đến yêu thương. Ngoài công lý ra, con người bao giờ cũng cần đến yêu thương, một thứ yêu thương duy nhất có thể cống hiến cho linh hồn công lý. Trong một thế giới bị tổn thương sâu nặng, như thế giới chúng ta thấy ngày nay đây, thì lời khẳng định này không cần đến những minh chứng. Thế giới mong thấy một thứ chứng từ yêu thương Kitô Giáo được đức tin tác động. Tình yêu của Thiên Chúa chiếu soi vào thế giới thường rất tồi tăm của chúng ta đây bằng thứ tình yêu thương như thế.

 

Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/2/2006

 

 

TOP

 

 

“Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng phải yêu thương nhau như thế” (Jn 13:34)

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Sứ Điệp Cho Ngaỳ Giới Trẻ Thế Giới XXII, Chúa Nhật Lễ Lá Ngày 1/4/2007

 

Các bạn trẻ thân mến,

 

Nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXII sẽ được cử hành ở các giáo phận vào Chúa Nhật Lễ Lá, tôi muốn đề ra cho các bạn suy tư về những lời của Chúa Giêsu là ‘Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng phải yêu thương nhau như thế’ (Jn 13:34).

 

Có thể yêu thương được hay chăng?

 

Hết mọi người đều cảm thấy khát vọng yêu thương và mong muốn được thương yêu. Tuy nhiên, yêu thương lại là vấn đề khó khăn biết mấy, vì đã từng xẩy ra biết bao nhiêu là lầm lỗi và thảm bại trong vấn đề yêu thương! Có những người thậm chí còn tỏ ra ngờ vực cả đến vấn đề yêu thương là những gì khả dĩ nữa. Thế nhưng, nếu những thứ ảo tưởng về cảm xúc hay tình trạng thiếu thốn về cảm tình là những gì có thể khiến cho chúng ta nghĩ rằng yêu thương là một thứ mơ tưởng hão huyền bất khả thực, vậy thì phải chăng chúng ta cần phải lui bước đi thôi? Không! Yêu thương là những gì khả dĩ, bởi thế mà mục đích cho sứ điệp của tôi đây là để giúp làm tái bừng lên nơi mỗi một người trong các bạn – thành phần là tương lai và là hy vọng của nhân loại – niềm tin tưởng vào một thứ yêu thương chân thực, trung thành và mạnh mẽ; một thứ yêu thương làm phát sinh ra an bình và niềm vui; một thứ yêu thương liên kết con người lại với nhau và giúp cho họ tỏ ra sẵn sàng tôn trọng lẫn nhau. Vậy chúng ta hãy cùng nhau thực hiện một cuộc hành trình được chia ra làm ba giai đoạn, để chúng ta bắt đầu một ‘cuộc khám phá’ về yêu thương.

 

Thiên Chúa là nguồn mạch của yêu thương

 

Đoạn hành trình thứ nhất liên quan tới nguồn mạch của tình yêu thương chân thực. Chỉ có một nguồn mạch duy nhất, đó là Thiên Chúa. Thánh Gioan đã làm sáng tỏ điều này khi tuyên xưng rằng ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Jn 4:8,16). Ngài không những nói rằng Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, mà còn nói rằng chính hữu thể của Thiên Chúa là tình yêu nữa. Ở đây chúng ta đối diện với một mạc khải rạng ngời nhất về nguồn mạch của tình yêu, của mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi, đó là, nơi Thiên Chúa, duy nhất và ba ngôi, có một trao đổi yêu thương vĩnh hằng giữa ngôi Cha và ngôi Con, mà tình yêu này không phải là một năng lực hay là một cảm tình, song là một ngôi vị; đó là Thánh Thần.

 

Thập Giá của Chúa Kitô mạc khải tất cả tình yêu của Thiên Chúa

 

Vị Thiên Chúa Tình Yêu được mạc khải cho chúng ta như thế nào? Giờ đây chúng ta tiến tới đoạn hành trình thứ hai của chúng ta. Mặc dù những dấu hiệu về tình yêu thần linh vốn được hiển hiện nơi việc tạo thành, nhưng tất cả mạc khải về mầu nhiệm sâu xa của Thiên Chúa được tỏ cho chúng ta thấy nơi việc Nhập Thể là lúc Thiên Chúa đích thân làm người. Nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa thật và là Người thật, chúng ta biết được tất cả những gì cao cả vĩ đại của tình yêu. Thật vậy, như tôi đã viết trong Thông Điệp Thiên Chúa là tình yêu – Deus catitas est, ‘cái mới mẻ thực sự của Tân Ước không phải là ở những tư tưởng mới cho bằng ở hình ảnh về chính Chúa Kitô, Đấng hiện thực hóa những quan niệm ấy – tức làm cho chúng trở thành một thứ hiện thực chưa từng có’ (khoản 12). Việc biểu lộ tình yêu thần linh này được thể hiện một cách trọn vẹn và trọn hảo ở nơi Thập Giá, như chúng ta đã nghe thấy Thánh Phaolô nói rằng: ‘Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta ở chỗ khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta’ (Rm 5:8). Bởi thế, mỗi một người trong chúng ta có thể thực sự nói rằng: ‘Chúa Kitô đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì tôi’ (x Eph 5:2). Được máu của Người cứu chuộc, không có một cuộc sống con người nào là vô ích hay có một giá trị tầm thường, vì mỗi một người trong chúng ta đều được Người yêu thương một cách cá biệt, bằng một tình yêu thiết tha và trung thành, bằng một tình yêu vô giới hạn. Thập Giá – đối với thế gian là một cái gì ngu xuẩn, đối với nhiều tín hữu là một cái gì xấu xa ô nhục – thực sự là ‘sự khôn ngoan của Thiên Chúa’ đối với những ai có thể cảm nhận được từ tận chính thâm cung hữu thể của mình, ‘vì cái khờ dại của Thiên Chúa còn uyên thâm hơn cả sự khôn ngoan của con người, và cái yếu hèn của Thiên Chúa còn mãnh liệt hơn cả sức mạnh của con người’ (1Cor 1:25). Hơn thế nữa, Tượng Chịu Nạn, một tượng chịu nạn mà sau cuộc Phục Sinh sẽ vĩnh viễn mang những vết tích cuộc khổ nạn của Người, còn phơi bày cả ‘những thứ méo mó’ và láo khoét về Thiên Chúa, những gì có tính cách bạo lực, báo thù và diệt trừ. Chúa Kitô là Con Chiên của Thiên Chúa, là Đấng gánh tội trần gian và nhổ tận gốc rễ niềm thù hận cho khỏi tâm can của nhân loại. Tình yêu thực sự là ‘cuộc cách mạn g’ do Người thực hiện vậy. 

 

Yêu Thương tha nhân như Chúa Kitô thương yêu chúng ta 

 

Giờ đây chúng ta tiến đến đoạn hành trình thứ ba trong cuộc suy niệm của chúng ta. Chúa Kitô kêu lên trên Thập Giá rằng: ‘Tôi khát’ (Jn 19:28). Lời ấy cho chúng ta thấy được cơn khát khao thương yêu hừng cháy và muốn được mỗi một người trong chúng ta yêu thương. Chỉ bao giờ chúng ta nhận thấy được chiều sâu và cường độ của một mầu nhiệm như thế chúng ta mới có thể thực hiện nhu cầu thúc bách mến yêu Người như Người đã thương yêu chúng ta. Lời này cũng bao gồm cả một cuộc dấn thân được tình yêu mến Người trợ giúp, thậm chí đến hiến  mạng sống mình, nếu cần, vì anh chị em của chúng ta. Thiên Chúa đã phán trong Cựu Ước rằng: ‘Các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình’ (Lev 19:18), thế nhưng cái mới mẻ được Chúa Kitô mang đến ở đây đó là việc yêu thương như Người thương yêu chúng ta, tức là yêu thương hết mọi người không phân biệt ai, thậm chí cả thành phần thù địch với mình, ‘cho đến tận tuyệt’ (x Jn 13:1).

 

Những chứng nhân cho tình yêu của Chúa Kitô

 

Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn kéo dài một chút nữa về ba lãnh vực của đời sống thường nhật là cuộc sống các bạn được đặc biệt kêu gọi để minh chứng tình yêu thương của Thiên Chúa. Lãnh vực thứ nhất là Giáo Hội, gia đình thiêng liêng của chúng ta, một gia đình được làm nên bởi tất cả mọi thành phần môn đệ của Chúa Kitô. Ý thức được lời Người dạy: ‘Nếu các con mến thương nhau thì mọi người nhờ đó nhận biết các con là môn đệ của Thày’ (Jn 13:35), các bạn cần phải tỏ ra nhiệt tình và bác ái trong việc làm khởi sắc các hoạt động của giáo xứ, của cộng đồng, của các phong trào trong giáo hội và của các nhóm giới trẻ các bạn thuộc về. Hãy đặc biệt quan tâm tới phúc hạnh của người khác, trung thành với những quyết tâm của mình. Đừng ngần ngại trong việc vui vẻ kiềm chế một vài những thứ vui chơi của các bạn; hãy hoan hỉ chấp nhận những hy sinh cần thiết; hãy chứng thực tình yêu mến của các bạn đối với Chúa Giêsu bằng việc loan truyền Phúc Âm của Người, nhất là nơi giới trẻ thuộc lứa tuổi của các bạn.

 

Sửa soạn cho tương lai

 

Lãnh vực thứ hai, lãnh vực các bạn được kêu gọi để thể hiện tình yêu của các bạn và lớn lên trong yêu thương, đó là việc các bạn sửa soạn cho tương lai đang đợi chờ các bạn. Nếu các bạn quyết tâm thành hôn thì Thiên Chúa đã có một dự án yêu thương cho tương lai của các bạn trong đời sống vợ chồng và đời sống gia đình. Bởi thế, các bạn cần phải khám phá ra dự án ấy qua việc trợ giúp của Giáo Hội, đừng mang một thứ thành kiến chung là Kitô Giáo có những giới răn và những cấm đoán làm cản trở niềm vui yêu thương, và gây trở ngại cho việc trọn vẹn hoan hưởng thứ hạnh phúc được người nam và người nữ tìm kiếm khi họ yêu thương nhau. Tình yêu của người nam và người nữ, từ khi mở màn cho đời sống gia đình nhân loại, cũng như cho đời sống lứa đôi hợp bởi một người nam và một người nữ, được bắt nguồn từ dự án nguyên thủy của Thiên Chúa (x Gen 2:18-25). Việc làm sao để biết yêu thương nhau như vợ chồng là một cuộc hành trình tuyệt vời, song nó cũng đòi phải có một ‘thời gian học hỏi’ cần thiết. Giai đoạn đính hôn, một giai đoạn rất cần thiết để thành vợ chồng, là một thời gian mong đợi và sửa soạn cần phải sống thanh sạch trong cử chỉ và lời nói. Nó giúp cho các bạn có thể chín chắn trong yêu thương, trong mối quan tâm và chú trọng đến nhau; nó giúp cho các bạn thực hành việc tự chế và phát triển việc tôn trọng nhau. Đó là những đặc tính của tình yêu chân thực không đặt nặng việc tìm kiếm những thỏa mãn riêng tư hay phúc hạnh của mình. Khi cùng nhau cầu nguyện, các bạn hãy xin Chúa canh chừng và gia tăng tình yêu của các bạn cũng như thanh tẩy nó cho khỏi tất cả mọi thứ vị kỷ. Đừng ngần ngại trong việc quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi, vì hôn nhân Kitô Giáo thực sự và hoàn toàn là một ơn gọi trong Giáo Hội. Cũng thế, những con người trẻ nam nữ thân mến, các bạn hãy sẵn sàng thưa ‘vâng’ nếu Thiên Chúa cần gọi các bạn theo đuổi thiên chức linh mục thừa tác hay sống đời tận hiến tu trì. Gương mẫu của các bạn sẽ là một tấm gương phấn khích cho nhiều bạn bè của các bạn là những người đang tìm kiếm hạnh phúc chân thật.

 

Mỗi ngày lớn lên trong yêu thương

 

Lãnh vực dấn thân thứ ba của tình yêu đó là lãnh vực của đời sống thường nhật với đầy những mối liên hệ. Tôi đặc biệt nói tới gia đình, học hành, hoạt động và giải trí. Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy vun trồng các tài năng của các bạn, chẳng những để chiếm được một thế đứng trong xã hội, mà còn giúp cho người khác ‘phát triển’ nữa. Các bạn hãy phát triển các năng lực của mình, không phải để ‘ganh đua’ hơn và ‘thu hoạch’ hơn, mà là để trở thành ‘những chứng nhân của đức bác ái’. Ngoài việc huấn luyện về nghề nghiệp chuyên môn, các bạn cũng hãy nỗ lực có được một thứ kiến thưc về đạo giúp cho các bạn thi hành sứ vụ của các bạn một cách hữu trách. Tôi đặc biệt mời các bạn hãy cẩn thận học hỏi giáo huấn về xã hội của Giáo Hội, nhờ đó những nguyên tắc của giáo huấn này tác động và hướng dẫn hành động của các bạn trong thế giới này. Chớ gì Chúa Thánh Thần làm cho các bạn trở nên sáng tạo trong đức ái, kiên trì trong những quyết tâm của các bạn, và can đảm theo đuổi những sáng kiến của các bạn, nhờ đó các bạn có thể góp phần vào việc xây dựng ‘nền văn minh yêu thương’. Chân trời yêu thương thực sự là vô hạn; nó là tất cả thế giới này vậy!

 

‘Dám yêu thương’ theo gương của các thánh nhân

 

Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn mời gọi các bạn hãy ‘dám yêu thương’. Các bạn đừng mong muốn bất cứ một cái gì khác cho đời sống của các bạn mà không phải là một thứ tình yêu mạnh mẽ và tuyệt vời, có thể làm cho cả đời sống của các bạn trở thành một cuộc hân hoan trao tặng bản thân mình cho Thiên Chúa cũng như cho anh chị em của các bạn, theo gương của Đấng đã muôn đời chiến thắng hận thù và chết chóc bằng tình yêu thương (x Rev 5:13). Tình yêu là năng lực duy nhất có thể biến đổi tâm can của con người cũng như của toàn thể nhân loại, bằng việc làm cho sinh hoa kết trái các mối liên hệ giữa con người nam nữ, giữa giầu nghèo, giữa các nền văn hóa và văn minh. Chúng ta thấy được điều này nơi đời sống của các thánh nhân. Họ là những người bạn đích thực của Thiên Chúa, thành phần chuyển đạt và phản ảnh chính tình yêu đệ nhất này.  Các bạn hãy cố gắng hiểu biết các vị hơn nữa, hãy tin tưởng vào lời chuyển cầu của các vị, và hãy nỗ lực sống như các vị đã sống. Tôi chỉ cần đề cập tới Mẹ Têrêsa. Để đáp lại tức khắc tiếng kêu của Chúa Giêsu, ‘Tôi khát’, một tiếng kêu đã sâu xa tác động mẹ, mẹ bắt đầu thực hiện việc tiếp nhận những người hấp hối trên các đường phố ở Calcutta Ấn Độ. Từ đó trở đi, ước vọng duy nhất của đời sống Mẹ đó là làm giãn cơn khát yêu thương của Chúa Giêsu, không phải bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể, bằng việc nhận ra dung nhan biến dạng của Người đang khao khát yêu thương trên các khuôn mặt của những người nghèo nhất trong các người nghèo. Chân Phước Têrêsa làm cho các giáo huấn của Chúa Kitô trở thành những gì là thực tế: ‘Khi con làm điều ấy cho một trong kẻ hèn mọn nhất trong những người thuộc phần tử gia đình của Ta đây là con làm cho Ta vậy’ (Mt 25:40). Sứ điệp của vị chứng nhân khiêm hạ này của tình yêu thần linh đã lan tràn khắp nơi trên thế giới.

 

Cái bí mật của tình yêu thương

 

Các bạn thân mến, mỗi một người trong chúng ta đã được ban cho khả năng để đạt tới cùng một mức độ yêu thương ấy, thế nhưng chỉ khi nào chúng ta biết chạy đến với sự nâng đỡ bất khả thiếu của Ân Sủng thần linh mà thôi. Chỉ có ơn trợ giúp của Chúa mới giúp cho chúng ta có thể không lùi bước khi phải đối đầu với những gì là khủng khiếp nơi công việc cần phải thực hiện. Nó làm cho chúng ta trở nên can đảm để hoàn thành những gì con người không ngờ nổi. Đặc biệt Thánh Thể là một đại học đường dạy yêu thương. Khi chúng ta thường xuyên sốt sắng tham dự Thánh Lễ, khi chúng ta bỏ một giờ khắc có thể nào đó để chầu Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Người vượt trên tất cả mọi hiểu biết (x Eph 3:17-18). Nhờ việc chia sẻ Bánh Thánh Thể với anh chị em của mình trong cộng đồng Giáo Hội, chúng ta cảm thấy được thôi thúc, như Đức Mẹ đối với bà Isave, trong việc ‘vội vã’ biến tình yêu của Chúa Kitô thành việc quảng đại phục vụ đối với anh chị em của chúng ta.

 

Hướng tới cuộc hội ngộ ở Sydney

 

Vấn đề này được sáng tỏ nơi lời khuyến dụ của tông đồ Gioan: ‘Hỡi các con nhỏ, chúng ta hãy yêu thương, không phải bằng ngôn từ hay lời nói, mà trong chân lý và hành động. Có thế chúng ta mới nhận biết rằng chúng ta sống bởi sự thật’ (1Jn 3:18-19). Giới trẻ thân mến, trong tinh thần này, tôi mời gọi các bạn hãy cảm nghiệm Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây với các vị giám mục của các bạn nơi giáo phận riêng của mình. Việc làm này sẽ là giai đoạn quan trọng trên con đường tiến đến cuộc gặp gỡ ở Sydney là cuộc gặp gỡ với chủ đề ‘Các con sẽ lãnh nhận quyền lực khi Thánh Thần xuống trên các con; và các con sẽ là những chứng nhân của Thày’ (Acts 1:8). Chớ gì Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, giúp anh chị em vang lên khắp mọi nơi tiếng kêu làm biến đổi thế giới, tiếng kêu ‘Thiên Chúa là tình yêu!’ Tôi nguyện cầu cùng với tất cả anh chị em và gửi đến anh chị em phép lành chân thành của tôi.

 

Tại Vatican ngày 27/1/2007

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/youth/documents/hf_ben-xvi_mes_20070127_youth_en.html

 

 

TOP

 

 

“Họ sẽ Nhìn Lên Đấng Họ Đã Đâm Thâu” (Jn 19:37)

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Sứ Điệp Mùa Chay 2007, được Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến ngày Thứ Ba 13/2/2007.

 

Anh Chị Em thân mến!

 

“Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu qua” (Jn 19:37). Đây là đề tài thánh kinh hướng dẫn chúng ta suy nghĩ cho Mùa Chay năm nay. Mùa Chay là một thời điểm thuận lợi để cùng với Mẹ Maria và Thánh Gioan, vị tông đồ yêu dấu, sống gần gũi với Đấng trên cây Thập Giá đã hoàn thành hy tế mạng sống của mình cho toàn thể nhân loại (x JJn 19:25). Bởi thế, bằng việc sốt sắng dự phần vào thời điểm thống hối và nguyện cầu này, chúng ta hãy hướng mắt mình lên Chúa Kitô tử giá, Đấng hấp hối trên  Đồi Canvê, Đấng đã tỏ cho chúng ta tất cả tình yêu thương của Thiên Chúa. Trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, tôi đã chia sẻ về đề tài yêu thương này, nhất mạnh đến hai hìn h thức nống cốt của nó, đó là.

 

Tình Yêu của Thiên Chúa: đức ái – agape và tình ái – eros

 

Chữ agape, một chữ xuất hiện nhiều lần  trong Tân Ước, nói lên tình yêu tự hiến của một người chỉ hoàn toàn tìm kiếm sự thiện cho người khác. Chữ eros, ngược lại, cho thấy tình yêu của một kẻ muốn chiếm hữu những gì họ thiếu thốn và mong được nên một với người yêu. Tình yêu Thiên Chúa bao bọc chúng ta thật sự là đức ái. Thật vậy, ai có thể hiến cho Thiên Chúa một sự thiện Ngài đã chẳng có rồi hay chăng? Tất cả những gì loài người tạo vật là và có đều là tặng ân thần linh. Bởi thế mà chính tạo vật là loài cần đến Thiên Chúa trong hết mọi sự. Thế nhưng tình yêu của Thiên Chúa cũng là eros nữa. Trong Cựu Ước, Đấng Hóa Công của vũ trụ này đã bày tỏ một tấm lòng ưa chuộng, vượt lên trên tất cả mọi động lực trần thế, đối với thành phần dân được Ngài tuyển chọn như của riêng Ngài. Tiên tri Hosea bày tỏ mối say mê thần  linh này bằng những hình ảnh táo bạo, như tình yêu của một nam nhân đối với một nữ nhân ngoại tình (x 3:1-3). Còn tiên tri Êzêkiên, khi nói về mối liên hệ của Thiên Chúa với dân Yến Duyên, đã không sợ sử dụng ngôn từ mạnh mẽ và đắm đuối (x 16:1-22). Các bản văn thánh kinh ấy cho thấy rằng eros là một yếu tố làm nên chính tâm can của Thiên Chúa, ở chỗ, Đấng Toàn Năng đang đợi chờ các tạo vật của Ngài ‘chấp nhận’, như chàng hôn phu đợi chờ người hôn thê của mình đáp ứng vậy. Tiếc  thay, ngay từ ban đầu, nhân loại, bị dụ dỗ bởi những thứ dối trá của Tên Gian Ác, đã ruồng rẫy tình yêu thương của Thiên Chúa bằng cái ảo tưởng về một thứ tự mãn, những gì không thể nào xẩy ra được (x Gen 3:1-7). Quay về với chính bản thân mình, Adong đã ra khỏi nguồn mạch sự sống là Chính Thiên Chúa, và đã trở thành người đầu tiên trong số “những người vì sợ chết mà cả đời mang thân nô lệ” (Heb 2:15). Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bỏ cuộc. Trái lại, việc ‘khước từ’ của con người lại trở thành một động lực quyết liệt thúc đẩy Ngài bộc lộ tất cả sức mạnh cứu chuộc của tình Ngài yêu thương.

 

Thập Giá mạc khải tất cả tình yêu thương của Thiên Chúa

 

Chính nơi mầu nhiệm của Thập Giá mà quyền lực siêu việt của tình thương nơi Cha trên trời được hoàn toàn tỏ hiện. Để chiếm lại tình yêu nơi tạo vật của mình, Ngài đã chấp nhận trả một giá rất cao, đó là giá máu Người Con duy nhất của Ngài. Chết chóc nhờ thế, một thứ chết chóc đối với Adong tiên khởi là một dấu hiệu cực kỳ đơn độc và bất lực, được biến đổi thành một tác động yêu thương cao cả và tự do của vị tân Adong. Bởi vậy người ta có thể cùng với Thánh Maximus là vị Giải Tội quả quyết rất rõ ràng là Chúa Kitô “đã chết về thần linh, nếu người ta có thể nói được như thế, là vì Người đã chết một cách tự do” (De divinis nominibus, IV, 13: PG 3, 712).  Trên cây Thánh Giá, cái eros của Thiên Chúa đối với chúng ta đã được bộc lộ. Eros thực sự là – như Pseudo-Dionysius diễn tả – quyền lực “không để cho chủ thể yêu vẫn còn ở nguyên nơi bản thân mình mà là làm cho họ vươn mình ra để nên một với người yêu” (De divinis nominibus, IV, 13: PG 3, 712). Còn “cái tình ái điên dại” (N. Cabasilas, Vita in Cristo, 648) nào hơn cái tình ái đã khiến cho Con Thiên Chúa trở nên một với chúng ta, cho đến độ chịu đựng những hậu quả vấp phạm của chúng ta như là của Người hay chăng?  

 

“Đấng họ đã đâm thâu qua”

 

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Kitô bị đâm thâu trên  Thập Giá! Người là mạc khải siêu việt về tình yêu thương của Thiên Chúa, một tình yêu mà eros và agape, chẳng những không tương phản nhau, còn làm cho nhau sáng tỏ. Trên Thập Giá, chính Thiên Chúa đã ăn mày ăn xin tình yêu tạo vật của mình: Người khao khát tình yêu của từng người chúng ta. Tông Đồ Tôma đã tuyên nhận Chúa Giêsu là “Chúa và là Thiên Chúa” khi ngài thọc bàn tay vào vết thương cạnh sườn của Người. Chẳng lạ gì mà nhiều thánh nhân đã tìm thấy nơi Trái Tim của Chúa Giêsu những gì sâu xa nhất trong mầu nhiệm yêu thương ấy. Người ta có thể xác đáng nói rằng mạc khải về tình ái của Thiên Chúa đối với con người thực sự là những gì bày tỏ cao cả nhất về đức ái của Ngài. Thật thế, chỉ có thứ tình yêu liên kết việc tự  nguyện ban tặng bản thân mình với lòng thiết tha mong ước được tiếp nhận mới là những gì tiết tỏa niềm vui làm nhẹ nhõm những gánh nặng nề nhất. Chúa Giêsu nói: “Khi nào Tôi được treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32). Thiên Chúa thiết tha mong muốn việc chúng ta đáp ứng trên hết đó là việc chúng ta hãy đón nhận tình yêu của Ngài và cảm thấy thu hút đến với Ngài. Tuy nhiên, việc chấp nhận tình yêu của Ngài thôi vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải đáp ứng tình yêu này, và dấn thân truyền  đạt tình yêu ấy cho những người khác nữa. Chúa Kitô “lôi kéo tôi đến cùng Người” để liên kết Người với tôi, để tôi biết yêu thương anh chị em bằng tình yêu của Người.

 

Máu và Nước

 

“Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đâm thâu qua”. Chún g ta hãy tin tưởng nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu là nơi chảy ra “máu cùng nước “ (Jn 19:34)! Các vị Giáo Phụ của Hội Thánh đã coi những yếu tố này như là biểu hiệu cho bí tích Rửa Tội và Thánh Thể. Qua nước Rửa Tội, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể tiến đến chỗ sống thân mật với tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Trong hành trình Mùa Chay này, ý thức về Phép Rửa của mình, chúng ta được kêu gọi vươn ra khỏi bản thân mình để tin tưởng phó thác hướng về vòng tay nhân hậu của Cha (cf. Saint John Chrysostom, Catecheses, 3,14ff). Máu, biểu hiệu cho tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành, tuôn chảy vào chúng ta đặc biệt nơi mầu nhiệm Thánh Thể: “Thánh Thể lôi kéo chúng ta đến với tác động tự hiến của Chúa Giêsu… chúng ta tham dự vào chính năng lực của việc tự hiến của Người” (Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, 13). Bởi vậy chúng ta hãy sống Mùa Chay, như là một thời điểm “Thánh Thể”, để bằng việc đón nhận  tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta biết truyền đạt tình yêu của Người ra chung quanh chúng ta bằng từng lời nói và việc làm. Việc chiêm ngưỡng “Đấng họ đã đâm thâu qua” nhờ đó tác động chúng ta mở lòng mình ra cho người khác, khi nhận ra những thương tích gây ra cho phẩm vị của con người; việc chiêm ngưỡng ấy đặc  biệt thúc động chúng ta chiến đấu chống lại hết mọi hình thức khinh thường sự sống và việc khai thác con người, cũng như thúc động chúng ta làm lắng dịu tình trạng lẻ loi cô độc và bị bỏ rơi một cách bi thảm của rất nhiều người. Chớ gì Mùa C hay đối với mọi Kitô hữu trở thành một cảm nghiệm mới mẻ về tình yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta nơi Chúa Kitô, một tình yêu mà mỗi ngày về phần mình chúng ta cần phải “ban tặng lại” cho anh chị em của mình, nhất là cho những ai bị khổ đau nhất và cần đến nó. Chỉ có thế chúng ta mới có thể hoàn toàn dự phần vào niềm vui Phục Sinh. Chớ gì Mẹ Maria, Mẹ của Tình Yêu Diễm Lệ, hướng dẫn chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay này, một cuộc hành trình thực sự trở về với tình yêu của Chúa Kitô. Anh chị em thân mến, tôi chúc anh chị em sống cuộc hành trình Mùa Chay tốt đẹp, với lòng ưu ái tôi ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt cho tất cả mọi anh chị em.  

 

Tại Vatican ngày 21/11/2006

 

Giáo Hoàng Biển  Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/lent/documents/hf_ben-xvi_mes_20061121_lent-2007_en.html

 

 

TOP

 

Cuộc  Cách Mạng của Tình Yêu

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật VII Thường Niên 18/2/2007

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay chất chứa một trong những giáo huấn tiêu biểu nhất song cũng khó khăn nhất trong các giáo huấn của Chúa Giêsu, đó là yêu thương kẻ thù địch của các người (Lk 6:27).

 

Giáo huấn này được trích từ Phúc Âm Thánh Luca song cũng được thấy cả trong Phúc Âm Thánh Mathêu (5:44), trong bối cảnh của bài diễn từ hành động được bắt đầu bằng các Mối Phúc Đức nổi tiếng. Chúa Giêsu đã nói bài diễn từ này ở Galilêa, vào lúc mở màn cho thừa tác vụ công khai của Người: Nó là vấn đề của một thứ ‘hiến chương’ được bày tỏ cùng hết mọi người, một hiến chương Người yêu cầu thành phần môn đệ của Người chấp nhận, khi dứt khoát đề ra cho họ một mô phạm cho đời sống của họ.

 

Thế nhưng, ý nghĩa của giáo huấn  Người dạy là gì? Tại sao Chúa Giêsu xin chúng ta hãy yêu thương chính các kẻ thù địch của chúng ta, tức là đòi hỏi một tình yêu thương vượt quá khả năng của loài người? Việc đề xướng này của Chúa Kitô có chắc chắn là thực tế hay chăng, vì vấn đề là ở chỗ thế giới này có quá nhiều bạo động, có quá nhiều bất công, và tình trạng ấy không thể nào khắc phục nếu không tỏ ra yêu thương hơn, nhân nghĩa hơn. Cái “hơn” này xuất phát từ Thiên Chúa: Chính tình thương của Ngài đã hóa thành nhục thể nơi Chúa Giêsu và chỉ có một mình tình thương này mới có thể sửa lại từ ác đến thiện cho cân đối thế giới này, bắt đầu từ “thế giới” nhỏ bé và quyết liệt là tâm can của con người.

 

Đoạn Phúc Âm này đáng được coi là “bản đại hiến chương” của tính chất bất bạo động Kitô Giáo; nó không chất chứa việc đầu hàng sự dữ – theo kiểu dẫn giải sai lầm v ề việc ‘đưa cả cho vá kia nữa’ (Lk 6:29) – thế nhưng ở việc đáp lại sự dữ bằng sự lành (Rm 12:17-21), nhờ đó bẻ gẫy xiềng xích bất công. Bởi vậy, đối với Kitô hữu, vấn đề bất bạo động được hiểu khôn g phải chỉ là hành vi thuần khéo léo mà là một loan sống của con người, một thái độ của con người tin tưởng vào tình yêu và quyền năng của Thiên  Chúa, Đấng không sợ đương đầu với sự dữ bằng nguyên các thứ khí giới yêu thương và chân  lý. Việc yêu thương kẻ thù mình là cốt lõi của “cuộc cách mạng Kitô Giáo”, một cuộc cách mạng không cậy dựa vào những sách lược của quyền lực kinh tế, chính trị hay truyền  thông. Cuộc cách mạng này của tình yêu, một tình yêu không hoàn toàn dựa vào các phương tiện nhân loại mà là vào tặng ân của Thiên Chúa, một tình yêu chỉ chiếm đạt được một cách trọn vẹn nơi sự thiện  hảo nhân hậu của Ngài. Ở đây chất chứa tính chất mới mẻ của Phúc Âm, một tính chất biến đổi thế giới một cách không ồn ào ầm ĩ. Ở đây chất chứa tính chất anh hùng của ‘thành phần bé mọn’, thành phần tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa và truyền bá tình yêu này ra cho dù có phải trả bằng giá mạng sống của họ.

 

Anh chị em thân mến: Mùa Chay, được bắt đầu vào Thứ Tư này, bằng lễ nghi xức tro, là một thời điểm thuận lợi mời gọi tất cả mọi Kitô hữu hãy hoán cải trở về với tình yêu thương của Chúa Kitô một cách sâu xa hơn bao giờ hết.

 

Chúng ta hãy xin Trinh Nữ Maria, người môn đệ dễ dạy của Chúa Cứu Thế, giúp chúng ta biết làm sao cho mình được tình yêu ấy dứt khoát chiếm đoạt, biết yêu thương như Người đã thương yêu chúng ta, biết nhân hậu như Cha trên trời của chúng ta nhân hậu từ b ị thương xót (Lk 6:36)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/2/2007
 

 

 

TOP